Doanh nghiệp địa ốc chưa hết lo vấn đề thủ tục

[ad_1]

Trình tự thủ tục thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn TP.HCM được các thành viên thị trường đánh giá là quá dài và không phù hợp với quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa.
Quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại đang là nguyên nhân dẫn đến điểm nghẽn nguồn cung nhà ở tại TP.HCM.

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã có tờ trình lấy ý kiến các sở, ngành, quận, huyện về quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong thực hiện các dự án có sử dụng đất trên địa bàn Thành phố.

Theo đó,  trình tự thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất gồm 5 bước.

Ngay sau khi nhận được dự thảo này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, quy trình 5 bước quá dài và không phù hợp với quy định của pháp luật.

Cụ thể, HoREA thống nhất trình tự bước 1, bước 2 của dự thảo. Kể từ bước 3 có thể thực hiện song song và nối tiếp các thủ tục hành chính trên cơ sở tích hợp thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở vào thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Đồng thời tích hợp thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở vào thủ tục cấp phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng. Thực hiện song song thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính thành một chuỗi thủ tục hành chính đồng bộ, liên thông.

Đồng quan điểm, nhiều doanh nghiệp địa ốc cho rằng, quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại trên địa bàn TP.HCM đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến điểm nghẽn nguồn cung nhà ở tại đây.

Theo ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, từ trước đến nay không có quy trình để thực hiện đầu tư dự án. Đến lúc Thành phố ban hành quy trình, nhưng vẫn không giải quyết được sự chồng chéo và tắc nghẽn thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ tiếp tục bị mắc kẹt.

Doanh nghiệp sợ nhất là khi bước 1, 2, 3 đã thực hiện xong, đến bước 4 bị kẹt rồi trở lại bước 1. Vòng đời để đưa một dự án vào triển khai phải mất khoảng 4 – 5 năm. Trường hợp pháp lý của dự án đã cơ bản hoàn thành cũng phải mất ít nhất 1 năm mới triển khai bán hàng được.

“Không những vậy, đến bước cuối cùng cấp sổ hồng cho người dân, dù doanh nghiệp đã hoàn thành hết thủ tục, kể cả nghĩa vụ tài chính, nhưng chỉ cần có một chút điều chỉnh về công năng (vẫn đủ điều kiện cấp sổ hồng) thì quá trình ra sổ rất khó khăn. Đi tới đâu cũng bị hỏi là đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính hay chưa”, ông Dũng lấy ví dụ.

Nhiều dự án sau khi đã hoàn thành tất cả thủ tục về mặt pháp lý quy hoạch, nghĩa vụ tài chính, doanh nghiệp muốn điều chỉnh cục bộ về sản phẩm cho phù hợp yêu cầu thực tế thị trường, nhưng rất e ngại vì phải làm lại các thủ tục từ đầu.

Trên thực tế, không chỉ riêng các dự án nhà ở thương mại gặp khó khăn trong việc đầu tư xây dựng, mà ngay cả những doanh nghiệp lựa chọn đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng gặp khó tương tự vậy.

Ông Nguyễn Văn Đực, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam thông tin, doanh nghiệp làm dự án nhà ở xã hội vẫn phải làm mọi thủ tục pháp lý như dự án nhà ở thương mại. Khi làm xong, lại phải mất thêm một thời gian nữa để làm các thủ tục thực hiện nhà ở xã hội. Tổng thời gian làm thủ tục để có thể khởi công thường mất 3-4 năm.

Qua trao đổi, các thành viên thị trường có chung quan điểm rằng, cách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tốt nhất là rút ngắn các thủ tục hành chính không cần thiết. Các sở, ngành cần đẩy nhanh việc ký, giải quyết hồ sơ. Khi dự án thực hiện được, Nhà nước cũng thu được các loại tiền sử dụng đất, thuế, phí…         

[ad_2]

Xem thêm