[ad_1]
Một đoạn đường Vành đai 3, TP.HCM |
Dự án làm thay đổi bộ mặt hạ tầng
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM giữ vai trò là một trong những tuyến đường quan trọng trong việc liên kết nhiều thành phố và tỉnh trong khu vực kinh tế tài chính trọng điểm phía Nam. Khi đường Vành đai 3 hoàn thiện sẽ tạo hành lang cho đô thị và công nghiệp không chỉ của 4 tỉnh/thành phố là TP.HCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai, mà tác động lan tỏa ra cả khu vực phía Nam.
Chia sẻ về tầm quan trọng của tuyến đường này tại hội trường Quốc hội khi thảo luận về dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Long An) cho rằng, việc đầu tư đường Vành đai 3 TP.HCM không chỉ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của TP.HCM và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mà còn giúp hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của khu vực và cả nước.
Vì vậy, ông Nguyễn Thanh Hải đề nghị quan tâm bố trí đủ nguồn vốn để triển khai thực hiện, đồng thời Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhất quán các địa phương trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo đúng tiến độ.
“Đường vành đai 3 hoàn thành sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng quá tải về hạ tầng giao thông các khu vực cửa ngõ và nội ô TP.HCM, tăng cường kết nối đô thị vệ tinh, phát huy hiệu quả lợi thế của các tỉnh, phát triển dịch vụ vận tải liên vùng và góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, ông Hải nhấn mạnh.
Tương tự, phát biểu tại Hội thảo Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 – TP.HCM, do UBND TP.HCM tổ chức, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cũng cho hay, việc triển khai dự án Vành đai 3 là cơ hội để phát triển vùng đúng tầm, giải quyết được điểm nghẽn lớn nhất về phát triển kinh tế vùng khi hạ tầng giao thông được kết nối. Vành đai 3 là vành đai công nghiệp trải dài, việc tắc nghẽn giao thông làm ảnh hưởng rất lớn trên tất cả lĩnh vực, trong đó doanh nghiệp trên địa bàn chịu chi phí logistics lớn nhất, do vậy đây cũng là bước đột phá giúp các doanh nghiệp.
Phân tích thêm về dự án này, PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đường vành đai này có vai trò rất quan trọng, do đó phải đẩy nhanh tiến độ và tập trung ưu tiên những tuyến liền mạch với nhau. “Nên chú ý đến hiệu ứng, tạo không gian phát triển đô thị cho cả vùng, tối ưu hóa phát triển. Cần lưu ý phát triển cả các tuyến giao thông khác gồm đường thủy, đường sắt, chứ không riêng vành đai này”, ông Trần Đình Thiên nêu ý kiến.
Bất động sản được hưởng lợi lớn
Theo đánh giá của các chuyên gia, phát triển hạ tầng giao thông là “cú hích” quan trọng thúc đẩy đô thị hóa và sự tăng trưởng của bất động sản. Tất cả những khu vực có tuyến đường Vành đai 3 đi qua, thị trường đều hứa hẹn khởi sắc, kéo theo sự tăng giá bất động sản.
Chia sẻ trong buổi Talks Show với chủ đề “Sức hút bất động sản vùng ven” do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, ông Trần Thế Anh, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Thắng Lợi cho hay, trước thực trạng quỹ đất tại khu vực nội đô ngày càng cạn kiệt, giá cao, nhiều chủ đầu tư đã chuyển hướng sang bất động sản vùng ven, đây là điều tất yếu trong bối cảnh “khát” nhà của người dân đang sống và làm việc tại TP.HCM. Xu hướng dịch chuyển của các chủ đầu tư dự án và nhà đầu tư cá nhân đang tạo luồng sinh khí mới cho thị trường bất động sản các địa phương vùng ven.
Việc phê duyệt đầu tư tuyến Vành đai 3 TP.HCM, với việc kết nối 5 đường cao tốc hướng tâm là TP.HCM – Trung Lương, TP.HCM – Mộc Bài, TP.HCM – Chơn Thành, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và Bến Lức – Long Thành, không chỉ liên kết 4 địa phương, mà còn giải quyết bài toán nối kết liên vùng. Khi hình thành tuyến đường này sẽ tạo quỹ đất rất lớn dọc hai bên đường để khai thác, tạo tiền đề kêu gọi đầu tư phát triển đô thị, công nghiệp.
Chắc chắn, bất động sản tại các khu vực lân cận cũng được hưởng lợi đáng kể khi dự án hoàn thiện. Trong đó, Long An có nhiều lợi thế khi nằm giáp ranh TP.HCM – trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước. Hiện nhiều nhà đầu tư đã đến Long An đầu tư dự án.
Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản EximRS cũng cho rằng, hạ tầng giao thông phát triển tới đâu thì thị trường địa ốc phát triển tới đó. Đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng mức đầu tư lớn, đi qua 4 địa phương trọng điểm vùng Đông Nam bộ, nên khi dự án được triển khai sẽ tạo ra hành lang kết nối các kho bãi, cảng biển…, là động lực phát triển lớn cho cả vùng kinh tế.
Tuy nhiên, bà Cẩm Tú cũng lưu ý, khi đầu tư vào bất động sản vùng ven, nhà đầu tư cần quan tâm đến một số yếu tố như lựa chọn dự án được phát triển bởi các doanh nghiệp lớn, có uy tín, pháp lý hoàn chỉnh, có liên kết vùng tốt, đầy đủ tiện ích cho cuộc sống; hạn chế dùng đòn bẩy tài chính cao (thấp hơn 40% giá trị sản phẩm), tránh đầu tư lướt sóng mà hướng đến yếu tố dài hạn.
Một điểm cần lưu ý nữa là, bên cạnh những dự án được đầu tư và quy hoạch bài bản, thị trường bất động sản vùng ven còn có dòng sản phẩm tự phát, phân lô bán nền. Với dòng sản phẩm này, các nhà đầu tư cần cân nhắc, tìm hiểu kỹ trước khi xuống tiền.
[ad_2]