TP.HCM: Bàn cách gỡ vướng, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực bất động sản

[ad_1]

Cần sớm tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn từ pháp lý đến dòng vốn tín dụng, vốn trái phiếu… mới tạo lực để bất động sản đi lên theo đà hồi phục tích cực của nền kinh tế.

Ngày 27/5, Trung tâm xúc tiến Thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Hội thảo “Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực bất động sản”.

Tại Hội thảo, các chuyên gia trong ngành đều có chung quan điểm rằng, thị trường bất động sản rất quan trọng đối với nền kinh tế. Vì vậy, các vướng mắc, điểm nghẽn từ pháp lý đến dòng vốn tín dụng, vốn trái phiếu cần được sớm tháo gỡ, tạo lực để bất động sản đi lên theo đà hồi phục tích cực của nền kinh tế.

Cụ thể, TS.Trần Du Lịch, Phó chủ tịch VIAC cho rằng, thị trường bất động sản có 3 kênh kết nối, lưu thông lẫn nhau là mua bán, cho thuê và thuế. Trong đó, thị trường mua bán đã và đang lệch pha, nhà cao cấp nhiều mà không có nhà vừa túi tiền. Còn tại thị trường cho thuê cũng đang gặp khó do đại dịch và việc thu thuế bất động sản gặp khó vì không có dự án…

“Việc lệch pha giữa nhà cao cấp và nhà vừa túi tiền hiện nay giống như các hãng thiết kế máy bay chỉ bán ghế hạng thương gia trong khi không có hạng phổ thông vậy”, TS.Trần Du Lịch lấy ví dụ.

TS.Trần Du Lịch, Phó chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
TS.Trần Du Lịch, Phó chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Phó chủ tịch VIAC cho biết thêm, điểm nghẽn lớn nhất và quan trọng nhất hiện nay là liên quan đến thủ tục. Cụ thể, việc ách tắc thủ tục đang khiến hàng trăm dự án bị ảnh hưởng, làm vốn của doanh nghiệp đưa vào dự án “nằm chết”… Mới đây, dòng vốn vào bất động sản bị siết thì sẽ khó thêm. 

“Nhà nước chỉ nên siết tín dụng vào bất động sản đầu cơ, hỗ trợ tháo gỡ vốn cho nhà ở vừa túi tiền, nhà ở thực, nếu không thì sự ngưng trệ của bất động sản sẽ tác động tiêu cực rất lớn đến tốc độ phát triển kinh tế”, TS.Trần Du Lịch nói.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế – TS.Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh, bất động sản liên quan ít nhất 4 lĩnh vực có đóng góp lớn cho GDP là xây dựng, du lịch, lưu trú ăn uống và tài chính ngân hàng. Đóng góp của các lĩnh vực này lên đến 26% GDP. Chưa kể, bất động sản là lĩnh vực liên quan đến 35 ngành nghề khác nhau; thu hút vốn FDI tới 10% trong những tháng đầu năm 2022. 

“Bất động sản là ngành liên thông chặt chẽ giữa ngân hàng – chứng khoán- bảo hiểm. Nếu bất động sản bị ảnh hưởng thì hệ lụy kéo theo hàng loạt. Trong khi đó, nền kinh tế của chúng ta trên góc độ vĩ mô đang phục hồi rất tốt sau đại dịch, nếu để các yếu tố liên quan dòng vốn ảnh hưởng đến bất động sản, chứng khoán thì thực sự không đáng. Vì vậy, cần xem xét để phát triển doanh nghiệp xanh, trái phiếu xanh, bất động sản bền vững…”, TS.Cấn Văn Lực nói.

Cũng tại Hội thảo, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, thị trường bất động sản thành phố đang gặp nhiều khó khăn, nguồn cung hạn hẹp, cung cầu lệch pha và hàng trăm dự án vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ. 

Theo ông Châu, doanh nghiệp bất động sản có 3 dòng vốn chính thì 2 dòng hiện đang bị “bóp” là tín dụng và trái phiếu. Kênh còn lại là huy động từ khách hàng cũng đang “tắc” thì làm sao doanh nghiệp bất động sản thở được.

“Câu chuyện có trái phiếu “rác” làm ảnh hưởng toàn bộ hoạt động phát hành trái phiếu huy động vốn của doanh nghiệp. Vì vậy, tới đây cần chấn chỉnh, phân loại, xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp để có thể cởi trói cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu lành mạnh”, ông Châu nói.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo.

Chủ tịch HoREA cho biết thêm, sức khoẻ của thị trường bất động sản phản ánh thực trạng, sức khỏe của nền kinh tế. Nếu bất động sản yếu, nền kinh tế không thể mạnh. 

Phải làm sao để bất động sản như chim én báo hiệu mùa xuân chứ không phải chim báo bão. Chính phủ cần định hướng dòng vốn tích cực để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững; có sự minh bạch, công bằng… chứ không phải lúc nóng sốt, lúc đóng băng.

Chia sẻ dưới góc độ pháp lý, luật sư Ngô Thị Vân Quỳnh, Luật sư Điều hành, Công ty Luật An TNHH Legal cũng cho rằng, những điểm nghẽn của khung pháp lý ảnh hưởng đến việc thu hút vốn FDI trong lĩnh vực bất động sản.

Theo đó, để thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực bất động sản cần xây dựng khung pháp lý đồng bộ, thống nhất Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản và sửa đổi Luật Đất đai 2013. Bên cạnh đó, tăng cường quỹ đất sạch để thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài. 

Nhà nước chủ động lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư; đầu tư kết nối hạ tầng khu vực để gia tăng cơ hội phát triển cho các địa phương và phát triển cả vùng kinh tế trọng điểm. Đồng thời, minh bạch thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ, liên thông về đất đai, quy hoạch, dự án, quy trình, thủ tục…

[ad_2]

Xem thêm