[ad_1]
Đa số doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng thuê văn phòng có thời hạn ngắn hơn. |
Từ đầu tháng 10 đến nay, chuỗi văn phòng cho thuê VNO chốt được 5 khách thuê mặt bằng tại quận 1 và quận Phú Nhuận (TP.HCM). Nhóm khách thuê mới là doanh nghiệp logistics, bất động sản, du lịch nội địa, thực phẩm, trong đó một khách hàng là công ty Nhật.
Chuỗi Sabay Home chuyên cho thuê văn phòng gần sân bay Tân Sơn Nhất và quận Phú Nhuận (TP.HCM) cũng ký hợp đồng cho 5 công ty thuê văn phòng truyền thống, 30 khách thuê văn phòng ảo, văn phòng chia sẻ và văn phòng trọn gói.
Tại TP.HCM, Toong đã đưa thêm 2 địa điểm không gian làm việc mới đi vào hoạt động tại 18E – Cộng Hòa (quận Tân Bình) và 186 – Võ Thị Sáu (quận 3). Dù mới hoàn thành thi công từ cuối tháng 11, tòa nhà số 186 – Võ Thị Sáu đã được một số doanh nghiệp đặt tới 90% từ trước đó cả tháng. Còn tòa nhà trên đường Cộng Hòa, ngay khi được đưa vào vận hành giữa tháng 10, đã chào đón các doanh nghiệp có quy mô nhân sự lớn đi kèm yêu cầu về hệ sinh thái môi trường làm việc sinh động và tiện nghi.
Lý giải về sự “ấm” lại của thị trường văn phòng cho thuê, ông Dương Đỗ, CEO của Toong cho rằng, đây chính là những tác động tích cực của việc mở rộng tiêm vắc-xin, các doanh nghiệp đang tăng tốc quay lại văn phòng làm việc.
“Chỉ sau 6 tuần kể từ khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, doanh thu của chúng tôi đã đạt ngưỡng tương đương với thời điểm trước khi đại dịch trở nên nghiêm trọng vào tháng 6”, ông Dương Đỗ nói.
Tuy nhiên, sự trở lại của các doanh nghiệp có phần thận trọng hơn so với trước. Đa số doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng thuê văn phòng có thời hạn ngắn hơn. Để giảm áp lực tâm lý cho doanh nghiệp thuê văn phòng, với các hợp đồng mới ký trong tháng 10, các công ty cho thuê văn phòng đều hỗ trợ giảm giá thuê tùy từng đặc thù ngành nghề, đồng thời cam kết giảm giá nếu việc giãn cách xảy ra do dịch tái bùng phát.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, CEO Sabay Home cho biết, trong 4 tháng TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, Công ty gần như không có hợp đồng ký mới, đa phần là thanh lý hợp đồng cũ, tranh chấp vì chậm thanh toán và không thanh toán. Từ đầu tháng 10 đến nay, các doanh nghiệp thuê mặt bằng vẫn e dè dịch bệnh bùng phát. Các hợp đồng thuê mới ký được là do khách hàng đang thuê ở các tòa văn phòng có giá cao hơn cần thu hẹp diện tích thuê.
Ông Thiện cho biết thêm, xét theo nhóm ngành, khách thuê văn phòng ngành công nghệ thông tin ít bị ảnh hưởng, diện tích thuê phổ biến 50-80 m2 hoặc 100-150 m2. Toàn hệ thống vẫn có văn phòng diện tích sàn lớn 500-800 m2, nhưng ế ẩm suốt 6 tháng qua.
Để kích cầu và hỗ trợ khách thuê văn phòng, việc ký quỹ và thanh toán cũng linh động hơn. Nếu trước đây, các công ty thuê văn phòng phải đặt cọc 3 tháng trở lên, thì nay chỉ còn đặt cọc 1-2 tháng. Việc thanh toán được chia thành nhiều đợt, trước là 3 tháng một lần, hiện là thanh toán từng tháng.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn của CBRE Việt Nam cho rằng, thị trường TP.HCM vẫn đang hưởng lợi từ nguồn cung mới hạn chế và ghi nhận những dấu hiệu hồi phục chậm nhưng tích cực.
“Đại dịch làm thay đổi xu hướng thuê mặt bằng của các công ty lớn, đa quốc gia. Chủ đầu tư các dự án văn phòng hạng A cần nghiên cứu để có chiến lược phát triển phù hợp”, bà Thanh nói.
[ad_2]