[ad_1]
Ảnh minh họa |
Loạt doanh nghiệp lớn tham gia
10.000 căn hộ là quy mô nhà ở xã hội mà Tập đoàn Thắng Lợi dự kiến triển khai vào cuối năm 2022 tại tỉnh Long An. Đại diện Tập đoàn Thắng Lợi cho biết, trong giai đoạn 2022 – 2026, doanh nghiệp sẽ tập trung kế hoạch phát triển loại hình nhà ở vừa túi tiền, nhà ở cho công nhân tại tỉnh vệ tinh của TP.HCM, như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh… với khoảng 20.000 căn hộ.
Ngoài hướng đến nhu cầu ở thực, động lực chính để Tập đoàn Thắng Lợi đặt mục tiêu cao là nhờ có sự tham gia hợp tác của nhiều doanh nghiệp lớn. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, năm 2021, Công ty cổ phần Gỗ An Cường đã mua lại 12,9% cổ phần của Tập đoàn Thắng Lợi với giá trị đầu tư 120 tỷ đồng.
Đến quý I/2022, An Cường tiếp tục mua 30% cổ phần của Thắng Lợi Central Hill – công ty con của Tập đoàn Thắng Lợi. Với quỹ đất sạch hiện có sẵn sàng để xây dựng, trong giai đoạn 2022 – 2025, Thắng Lợi Central Hill sẽ tung ra thị trường gần 10.000 căn tại Long An (diện tích 40 – 60 m2/căn).
Thắng Lợi Central Hill cũng đã đạt được thỏa thuận nhận chuyển nhượng hơn 20 ha đất sạch tại thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) và hơn 7 ha đất sạch tại tỉnh Tiền Giang. Với lượng quỹ đất gối đầu, Thắng Lợi Central Hill hứa hẹn cung cấp ra thị trường hơn 20.000 căn hộ vừa túi tiền trong giai đoạn 2023 – 2026.
Ngoài hợp tác với Công ty Gỗ An Cường, đại diện Thắng Lợi cho biết thêm, doanh nghiệp đang làm việc trực tiếp với một đối tác đến từ Nhật Bản để xây dựng nhà ở xã hội. Như vậy, Thắng Lợi sẽ huy động cả nguồn vốn nước ngoài để làm nhà ở xã hội.
Tương tự, Công ty cổ phần Bất động sản Vạn An Phát cũng đã mời Tập đoàn Asian Green Group (Malaysia) đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội tại Việt Nam. Ông Lê Phạm Khoa, Tổng giám đốc Công ty Vạn An Phát cho biết, bước đầu đối tác nước ngoài sẽ “rót” khoảng 200 triệu USD để làm nhà ở xã hội cho người dân nghèo Việt Nam mà không đặt nặng mục tiêu lợi nhuận.
Ngoài 2 doanh nghiệp nói trên, trước đó, phân khúc nhà ở xã hội cũng đã thu hút khá nhiều “ông lớn” trong ngành bất động sản như Vinhomes, Hòa Bình, Becamex IDC, Viglacera, APEC, Nam Long, Hoàng Phúc, TTC Land…
Rào cản lớn từ chính sách
Việc các doanh nghiệp bất động sản công bố những mục tiêu đầy tham vọng là một tín hiệu rất tích cực.
Theo các chuyên gia, động lực chính khiến nhiều doanh nghiệp quay trở lại với phân khúc nhà ở xã hội đến từ Nghị định 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó bổ sung một số chính sách ưu đãi chưa từng có cho doanh nghiệp tham gia.
Một lý do khác thúc đẩy doanh nghiệp đổ dồn vào phân khúc nhà ở xã hội là khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Hiện nay, nhiều dự án bất động sản rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhưng những dự án hướng đến nhu cầu thực, đáp ứng số đông vẫn được “bật đèn xanh” để nhận vốn tín dụng hay gói hỗ trợ lãi suất thấp. Đây có thể xem là “cửa thoát hiểm” giúp một số chủ đầu tư duy trì được dòng tiền trong giai đoạn gian khó hiện nay.
Tuy nhiên, thách thức khi tham gia phân khúc nhà ở xã hội cũng không nhỏ. Báo cáo với đoàn giám sát của HĐND TP.HCM tại buổi giám sát về thực hiện chương trình nhà ở 2016 – 2025 diễn ra mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, các dự án xây dựng nhà ở xã hội vẫn phải qua tất cả các bước thủ tục như một dự án nhà ở thương mại và thêm các thủ tục đặc thù của dự án này.
“Dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, nhưng vẫn phải làm thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, rồi mới làm thủ tục miễn tiền sử dụng đất. Dự án nhà ở xã hội phải làm thủ tục thẩm định giá bán, giá thuê, giá thuê mua nhà, và cuối cùng phải xác nhận đối tượng mua nhà ở xã hội. Chính vì thủ tục nhiều hơn và khó hơn, nên thời gian thực hiện thủ tục dài hơn, khiến doanh nghiệp ngại đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội”, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), rào cản pháp lý luôn là vấn đề lớn nhất. Hiện nay, quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại rất phức tạp, nhưng quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội lại càng phức tạp hơn và thường kéo dài đến 5 năm. Hệ quả là, trong giai đoạn 2016 – 2020, TP.HCM dù đã rất nỗ lực, nhưng cũng chỉ thực hiện được gần 15.000 căn hộ nhà ở xã hội, đạt 75% kế hoạch phát triển nhà ở xã hội.
Riêng với gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng phục hồi kinh tế, trong đó có 15.000 tỷ đồng dành cho người dân vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, ông Châu đánh giá, việc triển khai các gói tín dụng này vẫn rất chậm, trong khi theo quy định là hết năm 2023 sẽ hết hạn. Chính vì vậy, cơ quan chức năng phải chạy đua với thời gian để giải ngân.
[ad_2]