TP.HCM sẽ phân nhóm, gỡ khó cho 118 dự án bất động sản gặp vướng mắc

[ad_1]

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết 6 tháng cuối năm 2022, Thành phố sẽ phân nhóm, tháo gỡ vướng mắc đối với 118 dự án bất động sản trên địa bàn.

Phát biểu tại kỳ họp thứ sáu HĐND TP.HCM khóa X, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định kết quả phục hồi kinh tế – xã hội trên địa bàn Thành phố trong nửa đầu năm 2022 khá nhanh. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nêu ba vấn đề còn tồn tại để HĐND Thành phố tăng cường giám sát, góp ý cho UBND Thành phố trong thời gian tới.

Thứ nhất, lĩnh vực xây dựng, bất động sản, công nghiệp điện, điện tử phục hồi còn chậm. Thứ hai, việc cải cách thủ tục hành chính, giải quyết khó khăn vướng mắc tồn đọng của người dân, doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu, cản trở rất nhiều công cuộc phục hồi kinh tế – xã hội. Cuối cùng, tình hình khan hiếm nguyên vật liệu, lạm phát, tăng giá ảnh hưởng đời sống người dân.

a
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM

Về các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung trong 6 tháng cuối năm, ông Mãi đưa ra sáu nhóm giải pháp chính, trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh đến cải cách thủ tục hành chính và giải nhân vốn đầu tư công.

Dự kiến trong tháng 7/2022, UBND Thành phố sẽ ban hành quy chế phối hợp trong giải quyết thủ tục hành chính, quy định trách nhiệm, thời gian, các vấn đề liên quan làm cơ sở kiểm tra, giám sát, tăng cường trách nhiệm công vụ từng cơ quan, cán bộ được giao giải quyết thủ tục.

Ngoài ra, để giải quyết các vướng mắc khó khăn với người dân, doanh nghiệp, ông Mãi cho biết sẽ thành lập tổ công tác, phân nhóm và giải quyết các vấn đề.

“Trong 6 tháng đầu năm, UBND Thành phố đã có trên 40 cuộc họp chuyên đề theo các nhóm vấn đề để giải quyết. Bước đầu TPHCM tháo gỡ được vướng mắc các vấn đề về quản lý đô thị, nhà ở, đất đai, khó khăn của doanh nghiệp”, ông Mãi nói và thông tin thêm, đến nay có 118 dự án bất động sản còn vướng mắc về thủ tục đầu tư, thủ tục đất đai. UBND TPHCM sẽ phân nhóm vấn đề và giải quyết trong thời gian tới.

“Vừa qua UBND Thành phố đã cho ý kiến về gỡ vướng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở các dự án 20% nhà ở xã hội. Tới đây, hàng ngàn, chục ngàn hộ dân sẽ được cấp giấy chứng nhận”, ông Mãi nói thêm.

Theo ông Mãi, hiện Thành phố đang tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu chung, liên thông dữ liệu, nhất là các lĩnh vực nhiều hồ sơ như quy hoạch, tài nguyên và môi trường, xây dựng, kế hoạch, thuế. Nếu như đến năm 2025 hoàn thiện được cơ sở dữ liệu chung sẽ có thể điều hành trên nền tảng số, sẽ rất thuận lợi, nâng được năng suất hiệu quả.

“Sau một năm thực hiện chính quyền đô thị, UBND TPHCM đang hoàn thiện báo cáo sơ kết. Đồng thời tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội”, ông Mãi nói và nhấn mạnh, những vấn đề bất cập mà Thành phố có thể giải quyết bằng cơ chế của mình thì sẽ tổng hợp báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy và HĐND Thành phố để giải quyết, không phải xin ý kiến của Trung ương.

a
“Vừa qua UBND Thành phố đã cho ý kiến về gỡ vướng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở các dự án 20% nhà ở xã hội. Tới đây, hàng ngàn, chục ngàn hộ dân sẽ được cấp giấy chứng nhận”, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định.

Liên quan đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, ông Mãi nêu một nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là việc chuẩn bị các dự án chưa tốt. Chưa kể, năm nay Thành phố giao vốn chậm, tới tháng 2/2022 mới giao.

Đặc biệt là trách nhiệm, năng lực của chủ đầu tư trong việc triển khai dự án. “Đầu năm Thành phố đã giao vốn, đến giữa năm các doanh nghiệp thấy không giải ngân được đã đề nghị trả lại tới 3.900 tỷ đồng”, ông Mãi nói.

Về giải pháp, bên cạnh các giải pháp để tăng cường kỷ luật kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, người đứng đầu chính quyền Thành phố yêu cầu, các quận huyện rà lại các công trình thực sự cấp bách trên địa bàn để đề xuất ưu tiên thực hiện. Nguồn lực đầu tư hiện nay có hạn, do vậy, ông Mãi cho rằng cần huy động thêm các nguồn lực để đầu tư phát triển.

“Dự án Rạch Xuyên Tâm, các tuyến metro, xử lý rác thải, nhà ở trên và ven kênh, nhà lưu trú công nhân… nếu có cơ chế chính sách tốt sẽ huy động được nguồn lực xã hội. Những nội dung này cũng sẽ được đề cập trong dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54”, ông Mãi thông tin.

Riêng chương trình phát triển nhà ở, ông Mãi cho rằng cần có cách tiếp cận mới, bằng cách nghiên cứu cơ chế tài chính để di dời nhà ở trên và ven kênh rạch, chung cư cũ và nhà lưu trú cho công nhân, bởi nếu trông chờ vào ngân sách thì rất khó triển khai.

“Cố gắng phấn đấu đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, Thành phố sẽ giải quyết rất cơ bản mục tiêu về nhà ở cho người dân”, ông Mãi kỳ vọng.

Ba nhóm dự án cần được ưu tiên giải quyết

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có ba lần kiến nghị gỡ khó cho 96 doanh nghiệp với hơn 113 dự án bất động sản đang gặp vướng mắc trên địa bàn. Hầu hết các dự án này đều phân bổ khắp khu Đông, Nam và Tây TP.HCM bị “treo” pháp lý gửi đơn cầu cứu,với nhiều đại gia tên tuổi như: Novaland, Hưng Thịnh, Nam Long, Phú Long, Him Lam, C.T Group; Van Phuc Group…

Trong số dự án này, có 3 nhóm dự án được HoREA kiến nghị Thành phố đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ ách tắc.

Nhóm thứ nhất là các dự án nhà ở xã hội, được xếp ở mức cần giải quyết hồ sơ bức thiết nhất. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp tự thương lượng giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch và tự bỏ vốn (kể cả vay với lãi suất thương mại) để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội nhưng vướng pháp lý. Danh sách này khá dài, có thể kể đến các dự án nhà ở xã hội bán lẫn cho thuê của các công ty: Lê Thành, Nam Long, Đầu tư Thủ Thiêm, Thiên Phát, Phú Cường, Vạn Thái, Saigonres…

Nhóm thứ hai là các dự án bất động sản, nhà ở thương mại không bị rà soát pháp lý. Đây là nhóm dự án không vướng quy định kiểm tra, thanh tra, điều tra, thành phố cần tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án. Cấp bách nhất là hoàn thiện các bước thủ tục nộp tiền sử dụng đất, hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận cho khách hàng mua nhà.

Nhóm thứ ba là các dự án nhà ở đang thuộc diện bị rà soát, thanh – kiểm tra nhưng chưa có kết luận cuối cùng. Nhiều trường hợp các dự án này đều đã được chấp thuận đầu tư, hoặc triển khai thực hiện trong nhiều năm trước đây, hay đã hoàn thành đầu tư xây dựng và người mua nhà đã cư ngụ ổn định, thành phố cần xử lý theo hướng ưu tiên quyền lợi của người dân.

[ad_2]

Xem thêm