Doanh nghiệp địa ốc rốt ráo tìm nguồn vốn mới

[ad_1]

Bên cạnh việc tăng cường phát hành cổ phiếu và huy động vốn từ khách hàng, một số công ty địa ốc đã đề ra chiến lược hợp tác với đối tác quốc tế có nguồn lực mạnh.

Các công ty địa ốc đang tăng phát hành cổ phiếu và hợp tác đối tác ngoại để tìm nguồn vốn Ảnh: Đức Thanh
Các công ty địa ốc đang tăng phát hành cổ phiếu và hợp tác đối tác ngoại để tìm nguồn vốn Ảnh: Đức Thanh

Tăng cường phát hành cổ phiếu

Sau khi các tổ chức tín dụng quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các doanh nghiệp trong ngành địa ốc đã rốt ráo đi tìm nguồn vốn mới. Phương thức huy động vốn được nhiều doanh nghiệp niêm yết dự kiến triển khai trong năm nay là phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Đây được xem là giải pháp quan trọng, giúp doanh nghiệp không phải chịu áp lực trả nợ hay cân đối thanh khoản.

Đơn cử, tại Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land), trong năm 2022, doanh nghiệp này dự kiến tăng vốn từ 3.664 tỷ đồng lên 4.653 tỷ đồng thông qua trả cổ tức 8% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, tương ứng phát hành thêm 29,3 triệu cổ phiếu.

Đồng thời, TTC Land phát hành gần 51,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 14%, giá chào bán 14.000 đồng/cổ phiếu; phát hành cổ phiếu ESOP 5%, tương ứng phát hành thêm 18,32 triệu cổ phiếu với giá chào bán 11.000 đồng/cổ phiếu.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc cùng đối tác nước ngoài, ông Nguyễn Hữu Quang, Thành viên HĐQT, kiêm Phó tổng giám đốc Tập đoàn Danh Khôi cho biết, để nhận được cái “gật đầu” của đối tác nước ngoài thì doanh nghiệp phải sở hữu quỹ đất sạch, nghĩa là dự án phải đảm bảo tính pháp lý hoàn thiện.

Tiếp đến là sự trung thực ngay từ lúc đầu làm việc, ví dụ như công ty hoạt động như thế nào, dự án hiện đang ra sao… thì phải trình bày rõ ràng và không được che giấu điều gì. Sau đó mới bàn đến những lợi ích mà đối tác sẽ nhận được khi tham gia đầu tư vào công ty/dự án.

Lãnh đạo TTC Land cho biết, nguồn thu từ đợt phát hành sẽ được sử dụng để bổ sung vốn đầu tư cho các dự án hiện hữu của Công ty như Panomax River Villa, Charmington Tamashi… cũng như tìm kiếm phát triển những dự án mới thuộc các khu đô thị vệ tinh ven TP.HCM như Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, hoặc những nơi có hạ tầng, giao thông được đầu tư đồng bộ như Phú Quốc, Bình Thuận.

Thông tin tại Đại hội đồng cổ đông mới đây, ông Trần Vi Thoại, Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Danh Khôi cho biết, trong năm 2022, Danh Khôi đặt mục tiêu doanh thu thuần 905 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 200 tỷ đồng, lần lượt gấp 2 lần và tăng 2,5% so với kết quả năm 2021. Vốn điều lệ dự kiến tăng từ 841,8 tỷ đồng lên 1.389 tỷ đồng.

Đại diện Danh Khôi cho biết thêm, trong năm nay, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển và chuyển nhượng các dự án bất động sản tại các quỹ đất đang sở hữu. Bên cạnh đó, triển khai 8 dự án, thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để khởi công xây dựng.

Đồng thời, Danh Khôi sẽ phát hành hơn 4,4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 5%, cổ phiếu không bị hạn chế chuyển nhượng, dự kiến thực hiện chậm nhất vào tháng 10. Cùng với đó, Danh Khôi sẽ phát hành thêm 46,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm nâng vốn điều lệ lên gần 1.389 tỷ đồng, giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1.

“Toàn bộ số tiền trên được dùng để bổ sung nguồn vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty”, ông Trần Vi Thoại cho biết.

Tương tự, cổ đông của Công ty cổ phần Tập đoàn EverLand đã đồng thuận thông qua nghị quyết về việc phát hành tăng vốn điều lệ thêm 900 tỷ đồng, tương đương 90 triệu cổ phiếu theo hình thức phát hành riêng lẻ, thời gian thực hiện trong năm 2022.

Số tiền thu được từ đợt phát hành dự kiến dùng để bổ sung nguồn vốn thực hiện Dự án Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn (Quảng Ninh) và một phần bổ sung nguồn vốn lưu động.

Bắt tay với đối tác nước ngoài

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cho biết, việc siết chặt tín dụng vào bất động sản khiến Công ty không thể tránh khỏi khó khăn, song lãnh đạo Công ty đã chuẩn bị sẵn sàng phương án để đối phó vấn đề này. Chiến lược đầu tiên của Nam Long là hợp tác với các đối tác quốc tế có nguồn lực mạnh như Hankyu, NNR, Keppel Land… Bên cạnh đó, Nam Long cũng tập trung huy động vốn ở những thị trường giá rẻ.

Theo ông Quang, trong các chương trình làm việc liên doanh giữa Nam Long với các đối tác ngoại, ngoài chuyện đối tác chuyển tiền để cùng liên doanh phát triển dự án thì sẽ có ngân hàng hỗ trợ cho vay. Công ty kết hợp lãi suất cho vay trong nước và ngoài nước để đề xuất mức lãi suất cạnh tranh, do đó hiếm khi xảy ra biến động về giá cả và lãi suất.

“Về lâu dài, Công ty có chiến lược xây dựng uy tín trên thị trường tài chính, nỗ lực để lấy điểm đánh giá cao về uy tín tài chính và đã thành công trong việc huy động vốn thông qua trái phiếu từ phía Keppel Land, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC)”, đại diện Nam Long chia sẻ.

Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest thì đang tập trung phát triển quỹ đất các khu đô thị ven biển, trung tâm các thành phố lớn thông qua kết hợp mua bán – sáp nhập (M&A), đấu giá đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Để thực hiện mục tiêu này, một vị lãnh đạo Văn Phú Invest cho biết, Công ty sẽ tích cực tìm kiếm những nhà đầu tư chiến lược để đồng hành cùng doanh nghiệp với tinh thần “hợp tác và chia sẻ”. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ tăng cường hợp tác quốc tế để nâng tầm giá trị thương hiệu, học hỏi và phát triển.

Trước đó, Văn Phú Invest đã ký thỏa thuận hợp tác với các đối tác lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản như Lotte, Huyndai, Sumitomo trong việc triển khai các dự án.

Trên thực tế, việc tìm kiếm nguồn vốn quốc tế không phải là giải pháp mới, trên thị trường cũng đã có một số công ty bất động sản thực hiện để huy động các nguồn vốn đầu tư giá rẻ như Vingroup, Vinhomes, Novaland…

[ad_2]

Xem thêm