[ad_1]
Việc công bố quỹ đất khủng luôn đi kèm với kế hoạch phát triển để sớm đưa sản phẩm ra thị trường Ảnh: T.T |
Mở rộng quỹ đất
Thời điểm đầu năm cũng như trước thềm đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết bắt đầu công bố thông tin quỹ đất. Đáng chú ý, con số này từ các doanh nghiệp đã tăng đáng kể, thậm chí gấp vài chục lần chỉ sau một năm.
Có quỹ đất lớn nhất là Tập đoàn Vinhomes, với 16.800 ha, gồm 13.000 ha đất khu dân cư, văn phòng và 3.800 ha đất khu công nghiệp.
Theo tài liệu mới được công bố, Vinhomes có kế hoạch khởi động 3 dự án trong năm nay, gồm Vinhomes Dream City (Văn Giang, Hưng Yên), Vinhomes Wonder Park (Đan Phượng, Hà Nội) và Vinhomes Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Cả 3 dự án sắp ra mắt nằm trong bán kính 15 km tính từ trung tâm Hà Nội, tổng diện tích 978 ha.
Đầu năm 2022, Tập đoàn Novaland đã có bước “nhảy vọt” về quỹ đất, với diện tích đang nghiên cứu và phát triển đạt 10.600 ha, tăng gấp đôi so với con số công bố một năm trước.
Với diện tích đất gom thêm, Novaland tiếp tục củng cố vị thế là một trong hai doanh nghiệp bất động sản niêm yết có quỹ đất lớn nhất, chỉ đứng sau Tập đoàn Vinhomes.
Thông qua việc gia tăng quỹ đất, giá trị tài sản của Novaland cũng tăng từ 218.000 tỷ đồng đầu năm ngoái lên mức 324.000 tỷ đồng đầu năm nay.
Cũng thông qua M&A, Novaland đã sở hữu thêm 700 ha đất tại Mũi Né để chuẩn bị phát triển siêu dự án bất động sản du lịch thương hiệu NovaWorld thứ hai tại Bình Thuận với tên gọi NovaWorld Marina City.
Dù đang sở hữu lượng quỹ đất khủng, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết vẫn tiếp tục tìm kiếm quỹ đất mới, bởi với tốc độ triển khai và giới thiệu dự án mới như hiện nay, quỹ đất hiện có của Novaland chỉ có thể đáp ứng nhu cầu trong 5 – 7 năm tới.
Ngoài Novaland, một số doanh nghiệp địa ốc khác cũng liên tục hé lộ thêm những quỹ đất khủng, thậm chí, Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Phát Đạt còn có những quỹ đất lớn chưa kịp đưa vào sổ sách để báo cáo cổ đông.
Quỹ đất tại thời điểm cuối năm 2021 của Phát Đạt là 5.804 ha, tăng gấp 12 lần so với năm 2020, tập trung nhiều ở Quảng Ngãi (4.173 ha), Đà Nẵng (535,27 ha), Đồng Tháp (394,34 ha), Bình Dương (282,7 ha)… Nếu tính cả quỹ đất cho bất động sản khu công nghiệp, thì tổng quỹ đất của Phát Đạt là 7.404 ha.
Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông mới đây, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Phát Đạt cho biết, Công ty đang tiếp cận nhiều quỹ đất, nếu trúng đấu thầu thì năm 2025, giá trị vốn hóa có thể đạt 5 – 7 tỷ USD, lợi nhuận 9.000-10.000 tỷ đồng.
Một “ông lớn” khác là Tập đoàn Hưng Thịnh, đang sở hữu quỹ đất phát triển lên tới 4.500 ha, phân bổ khắp nhiều tỉnh, thành phố, như TP.HCM, Hà Nội, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Đại diện Hưng Thịnh cho biết, với quỹ đất lớn, doanh nghiệp có thể đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững trong 10 năm tới. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn tiếp tục mở rộng nhằm đón đầu sự phát triển hạ tầng tại nhiều địa phương.
Không đứng ngoài cuộc đua săn quỹ đất, Tập đoàn Đất Xanh mới đây đã hé lộ quỹ đất khoảng 2.500 ha. Đại diện Đất Xanh cho biết, Tập đoàn đang tiếp tục tìm kiếm thêm các quỹ đất lớn để dần chuyển sang chiến lược kết hợp phát triển các khu đô thị, bất động sản công nghiệp có diện tích lớn.
Đất Xanh đã thông qua chủ trương cho các công ty con nghiên cứu đầu tư một số dự án tại Bình Phước, Quảng Nam, Ninh Thuận, Đồng Nai. Nếu việc nghiên cứu các dự án mới thành công, quỹ đất của Đất Xanh có thể nâng lên hơn 4.000 ha.
Tăng tốc xây dựng
Việc mở rộng quỹ đất làm dự án của doanh nghiệp cho thấy thị trường bất động sản tại nhiều tỉnh, thành phố ngày càng phát triển mạnh. Theo quan sát của phóng viên Báo Đầu tư, việc công bố quỹ đất lần này của các doanh nghiệp luôn đi kèm với kế hoạch xây dựng và phát triển dự án để nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường.
Với lượng lớn quỹ đất đang nắm trong tay, Đất Xanh cho biết, sẽ triển khai đồng loạt các dự án trong danh mục quỹ đất có sẵn và phân loại thành quỹ đất ngắn, trung và dài hạn. Đối với quỹ đất ngắn hạn, Đất Xanh sẽ triển khai mở bán trong 1 – 2 năm tới, trong khi dự án trung hạn có quy mô lớn và thường mất ít nhất 3 – 5 năm để phát triển.
Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư mới đây, ông Dương Văn Bắc, Phó tổng giám đốc Đất Xanh cho biết, trong năm 2022, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục mở bán Gem Sky World và 4 dự án mới là Gem Riverside, Lux Star, Opal Cityview và DX Homes Parkview.
Trong đó, Dự án Gem Riverside TP. Thủ Đức đã cơ bản hoàn tất pháp lý và mở bán lại trong quý II, chậm nhất quý III năm nay. Hai dự án ở Bình Dương là Opal Cityview (1 ha) và DX Homes Parkview (5 ha) dự kiến mở bán vào quý III/2022. Dự án Lux Star ở TP.HCM có diện tích 1,1 ha sẽ mở bán vào quý IV/2022.
Tương tự, Tập đoàn Nam Long đang sở hữu loạt dự án khu đô thị cũng có những tham vọng đột phá trong thời gian tới. Chiến lược và tầm nhìn đến năm 2030 của doanh nghiệp này là trở thành công ty bất động sản tích hợp, sáng tạo hàng đầu tại Việt Nam và khu vực.
Cụ thể, ở cấp độ dự án, Tập đoàn đã bắt tay hợp tác cùng Hankyu Realty (Nhật Bản) phát triển Khu đô thị Izumi, 170 ha; hợp tác cùng Nishitetsu phát triển Khu đô thị Nam Long – Đại Phước 45 ha. Bên cạnh đó, Công ty cũng tiếp tục theo đuổi dòng sản phẩm giá “vừa túi tiền” EHome tại các tỉnh, thành phố khác như Cần Thơ, Long An, Hải Phòng.
Trong cuộc đua mở rộng quỹ đất của các doanh nghiệp phía Nam không thể không nhắc đến An Gia. Doanh nghiệp này kỳ vọng doanh thu giai đoạn 2022 – 2024 tăng gấp đôi, đạt 32.500 tỷ đồng và đặt mục tiêu M&A thành công 5 dự án/năm. Trong giai đoạn 2022 – 2024, Công ty dự kiến đưa ra thị trường khoảng 11.400 sản phẩm, với doanh thu 1,5 tỷ USD.
Riêng trong năm 2022, An Gia sẽ bàn giao sản phẩm tại Dự án The Standard (Bình Dương) và The Sóng (TP. Vũng Tàu), ra mắt dự án mới The Gió (Bình Dương) với hơn 3.000 căn hộ. Ngoài ra, Công ty dự kiến tiếp tục triển khai một loạt dự án ở TP.HCM và các tỉnh lân cận, với trọng tâm là các sản phẩm nhà ở trong phân khúc trung khá, phục vụ nhu cầu nhà ở thực.
[ad_2]