[ad_1]
Nhiều thương hiệu đang mở rộng đầu tư mặt bằng bán lẻ. Trong ảnh: cửa hàng tiện lợi Nova Market. |
Kẻ đóng cửa, người mở rộng quy mô
Những ngày gần đây, nhiều cửa hàng Bách hóa Xanh tại TP.HCM treo biển “sốc, xả kho giảm đến 50%” và một số cửa hàng treo bảng tạm đóng cửa để nâng cấp đang gây chú ý cho nhiều người. Báo cáo tài chính quý I/2022 của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (đơn vị chủ quản của Bách hóa Xanh) cho thấy, tính đến hết tháng 4/2022, toàn chuỗi có 2.140 cửa hàng Bách hóa Xanh. Tuy nhiên, đến ngày 15/7, hệ thống này chỉ còn 1.824 cửa hàng.
Việc đóng cửa hàng loạt cửa hàng của thương hiệu lớn này cho thấy sự khốc liệt của thị trường bán lẻ và dấy lên những lo ngại rằng thị trường cho thuê mặt bằng bán lẻ có nguy cơ bước vào một đợt trầm lắng tiếp theo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu chỉ nhìn vào một vài thương hiệu thì chưa đại diện cho toàn thị trường. Nhiều nhà bán lẻ khác vẫn có kế hoạch mở rộng quy mô, thậm chí một số doanh nghiệp bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam khi xác định đây là thị trường chủ lực để phát triển.
Chẳng hạn Kingfoodmart – chuỗi siêu thị mini thuộc hệ sinh thái của Quỹ đầu tư Seedcom, từ đầu năm 2022 đến nay đã liên tục mở 4 điểm bán mới, nâng số lượng lên 10 siêu thị trải khắp 6 quận, huyện tại TP.HCM. Chia sẻ với giới truyền thông, lãnh đạo chuỗi siêu thị này cho biết, tham vọng phát triển đến 500 cửa hàng vào năm 2025.
Một chuỗi cửa hàng tiện lợi mới toanh khác tại TP.HCM là Nova Market (thuộc Nova Commerce, thành viên của NovaGroup), trong tháng 4 và tháng 5/2022, doanh nghiệp này liên tiếp khai trương nhiều điểm bán mới. Đến nay Nova Market đã có hơn 10 cửa hàng tại TP.HCM và các vị trí đắc địa như NovaWorld Hồ Tràm, NovaWorld Phan Thiết, NovaHills Mũi Né…
Theo kế hoạch, Nova Commerce sẽ mở 300 điểm Nova Market trong năm 2022, trong đó ngoài những điểm bán quy mô cửa hàng, còn có các siêu thị với ngành hàng kinh doanh chủ lực là nông sản hữu cơ xanh, sạch, thực phẩm và đồ dùng tiện lợi.
Trong quý III, Muji – thương hiệu nội thất của Nhật Bản dự kiến mở thêm cửa hàng thứ tư tại quận 7, TP.HCM. Hai “ông lớn” trong ngành thời trang là Uniqlo và cà phê là Starbucks cũng mới khai trương hai cửa hàng có diện tích lớn ở Saigon Centre (quận 1) và Aeon Tân Phú (quận Tân Phú).
Cuộc đua khốc liệt
Có thể thấy, cuộc đua mở rộng mặt bằng bán lẻ ngày càng khốc liệt khi có nhiều tên tuổi mới tham gia và sự chuyển dịch mạnh mẽ trong nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng sau đại dịch. Báo cáo nghiên cứu thị trường của Savills mới đây cũng chỉ ra, trong khi một vài thương hiệu gặp khó khăn trong việc duy trì doanh số thì vẫn có một số ngành ghi nhận hoạt động tích cực như thể thao, đồ gia dụng, sức khỏe, F&B, xe điện.
Sau thời gian dài đóng cửa vì giãn cách, kể cả khi người tiêu dùng đã làm quen với mua sắm trực tuyến, các cửa hàng trực tiếp vẫn đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, sự hồi phục kinh tế cho thấy cửa hàng bán lẻ vẫn là yếu tố chính trong chiến lược thương hiệu kết nối với người tiêu dùng, tăng nhận diện thương hiệu và tăng doanh thu.
CBRE Việt Nam cũng ghi nhận khoảng 40% số thương hiệu mở cửa hàng mới trong quý II/2022 tại Crescent Mall (quận 7), nổi bật là Hermès Beauty và Som Tum Thai, Skechers. Đáng chú ý, Guerlain Ultimate Boutique đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Đông Nam Á vào tháng 6 vừa qua. Những cái tên đáng chú ý khác có Digibox với đại lý ủy quyền đầu tiên của Apple tại Estella Place (quận 2) và Baccarat tại khách sạn Sheraton Sài Gòn (quận 1).
Bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý bộ phận cho thuê mặt bằng bán lẻ của Savills Việt Nam đánh giá, kể từ đầu năm, nhu cầu thuê đã gia tăng trở lại với kế hoạch mở rộng ấn tượng của các doanh nghiệp. Đồng thời, hàng loạt mô hình mới ra đời như bếp trung tâm, cửa hàng phân phối vệ tinh xung quanh hay cửa hàng tích hợp đa thương hiệu, thậm chí nhiều mô hình siêu thị mới như Novamart, Fujimart… góp phần làm thị trường thuê sôi động, tỷ lệ hấp thụ mặt bằng dần tốt lên.
Bà Quyên cho rằng, sức tiêu dùng nội địa ngày càng tăng đang củng cố niềm tin cho các nhà bán lẻ để họ mở cửa hàng mới khắp các quận huyện và khu vực, thay vì trước đây chỉ tập trung ở khu vực đông khách du lịch. “Bất kể đại dịch, cửa hàng trực tiếp vẫn là kênh bán hàng trọng điểm, nhờ các lợi thế về sức mạnh nhận diện thương hiệu, không gian trải nghiệm sản phẩm và chăm sóc khách hàng toàn diện”, bà Quyên nói.
Nhận xét về tình hình thị trường bán lẻ 6 tháng đầu năm 2022, bà Thanh Phạm, Phó giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn CBRE Việt Nam khẳng định, triển vọng là tích cực, bằng chứng là giá thuê ở khu vực trung tâm và ngoài trung tâm TP.HCM đều tăng khi giá chào thuê tại một số địa điểm đắc địa lên đến 250 – 350 USD/m2/tháng. Tính bình quân toàn thị trường, giá chào thuê tầng trệt của các trung tâm mua sắm tại TP.HCM đạt mức đỉnh mới 206 USD/m2/tháng, tăng khoảng 50% theo năm. Tỷ lệ lấp đầy mặt bằng bán lẻ ở khu vực trung tâm được cải thiện ở mức gần 96%.
[ad_2]