[ad_1]
Dự án Nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, được xây dựng từ năm 2017, đang gặp nhiều vướng mắc Ảnh: T.T |
Mười năm chưa thể triển khai dự án
Khu nhà lưu trú công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung II (phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức, TP.HCM) do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Sản xuất Dịch vụ Du lịch Thiên Phát (Công ty Thiên Phát) làm chủ đầu tư luôn được bảo vệ nghiêm ngặt như một chung cư cao cấp. Ai đến khu nhà phải có lý do, khách muốn gặp người nào trong khu nhà phải đăng ký qua bảo vệ. Xe khách để ở khu vực riêng, xe của công nhân ở khu riêng, tránh nhầm lẫn, mất mát.
Khu nhà có gần 400 căn hộ, mỗi căn rộng 35 m2, có ban công, phòng khách, phòng bếp, nhà vệ sinh, phòng tắm và phòng ngủ. Công nhân muốn thuê phải có hợp đồng lao động. Bên trong khu nhà, hành lang được lau dọn hằng ngày, sạch sẽ và ngăn nắp…
Tiện ích tốt, giá lại rẻ, nên khu nhà lưu trú này luôn trong tình trạng kín người. “Nhưng đáng buồn, sau thành công của dự án này, Công ty chưa thể triển khai thêm được dự án nào vì việc này không dễ”, ông Nguyễn Văn Lợi, Tổng giám đốc Công ty Thiên Phát nói.
Ông Lợi cho biết, đối diện khu nhà trên là Dự án Nhà ở xã hội Khu chế xuất Linh Trung II giai đoạn II. Đã 5 năm trôi qua, Công ty không thể xây dựng do Ban Quản lý Khu chế xuất Linh Trung II chưa thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành
Theo Tổng giám đốc Công ty Thiên Phát, chủ trương xây nhà ở cho công nhân có từ lâu, nhưng thời gian qua, Thành phố thực hiện không quyết liệt. Nhiều khu đất trước kia được quy hoạch làm nhà ở xã hội, nhà lưu trú, thì giờ thành “đất vàng”, nên càng khó xây dựng.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại Lê Thành, đơn vị chuyên xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho thuê cho biết, doanh nghiệp hiện có 3 dự án nhà ở cần tháo gỡ vướng mắc. Đó là Dự án Nhà ở xã hội cho thuê Lê Thành An Lạc, Dự án Nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên, Dự án Nhà ở xã hội Lê Thành Tân Tạo 2.
Theo ông Nghĩa, Dự án Nhà ở xã hội cho thuê Lê Thành An Lạc được xây dựng từ năm 2017 với quy mô 930 căn hộ. Trước đó, Công ty Lê Thành xin chuyển đổi mục tiêu dự án nêu trên từ nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội cho thuê, đã được UBND TPHCM chấp thuận.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất điều chỉnh nội dung quyết định từ hình thức dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội cho thuê để làm cơ sở ban hành quyết định miễn tiền sử dụng đất. Thế nhưng, Sở này lại không khẳng định về thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài, cũng không khẳng định đối với phần diện tích đất 20% được bán thương mại là được miễn tiền sử dụng đất. Từ đó nảy sinh vướng mắc.
Trong khi đó, Dự án Nhà ở xã hội Nam Lý (Thủ Đức) phục vụ cán bộ, công nhân, viên chức, người nghèo do Công ty cổ phần Địa ốc Thảo Điền đã hoàn tất các thủ tục xin xây dựng, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai, do chưa thực hiện được thủ tục giao đất.
Cần sớm tháo gỡ vướng mắc để phát triển nhà ở xã hội
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, chỉ tính 3 dự án nhà ở xã hội của Công ty Lê Thành, Dự án Nhà ở xã hội Nam Lý và dự án nhà ở xã hội cho thuê của Công ty Thiên Phát được tháo gỡ, Thành phố sẽ có thêm 5.209 căn hộ giá rẻ trong năm 2024 – 2025.
“Đây chính là nguồn cung căn hộ khá lớn phục vụ tốt cho người thu nhập thấp trên địa bàn Thành phố”, ông Châu nói.
Cũng theo ông Châu, Thành phố là địa phương có nhiều doanh nghiệp đi đầu trong việc xây dựng nhà ở giá rẻ, kể cả tự thương lượng giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch. Nhiều doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, song do vướng mắc thủ tục, nên nhiều dự án chưa thể triển khai.
Ngoài thủ tục hành chính, nguồn vốn cũng là vấn đề nan giải. Ông Lê Hữu Nghĩa cho biết, trên lý thuyết, doanh nghiệp được vay 70 – 85% vốn với suất lãi ưu đãi trung bình 5%, nhưng thực tế từ năm 2016 đến nay, nguồn vốn tái cấp bù cho các ngân hàng không có, nên doanh nghiệp vẫn phải vay mức 11%.
Tương tự, Phó giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Khiết cũng cho biết, Thành phố hiện có 41 dự án phát triển nhà ở, trong đó quỹ đất dành cho nhà ở xã hội trên 110 ha. Trong đó, có 26 dự án dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội theo Nghị định 188/2013/NĐ-CP và Nghị định 100/2015/NĐ-CP, với tổng diện tích xây dựng là 96 ha. Ngoài ra, có 16 dự án (gần 30 ha) xây dựng nhà ở xã hội theo yêu cầu của Thành phố.
Mặc dù vậy, ông Khiết cũng cho biết, các dự án nhà ở xã hội còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn vay, chính sách cho vay với người thu nhập thấp và các thủ tục đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, thực hiện dự án nhà ở xã hội phức tạp hơn dự án nhà ở thương mại, nên ít có sức hút với các chủ đầu tư.
Ông Khiết thông tin thêm, một phần của gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng sẽ được dành cho dự án nhà ở xã hội. “Hy vọng thời gian tới sẽ gỡ vướng và Ngân hàng Chính sách xã hội cũng có kế hoạch tăng khoản vay đối với các đối tượng vay”, ông Khiết nói.
[ad_2]