Dịch Covid-19 đưa đến những khó khăn chồng chất với nhiều ngành nghề kinh doanh, dịch vụ nhưng cũng mang lại hi vọng về cơ hội mua nhà cho những người có nhu cầu ở thực. Tuy nhiên, dù làn sóng Covid thứ 2 đã xuất hiện, nhiều người vẫn “lắc đầu lè lưỡi” vì giá nhà không chịu giảm nhiệt. Liệu cơ hội có xuất hiện trong 6-12 tháng tới?
Giá nhà khó giảm sâu
Đầu tháng 6, thị trường bất động sản mới chớm hồi phục và dần trở lại quỹ đạo thông thường thì đến tháng 7, đợt bùng dịch thứ hai lại kéo thị trường đi xuống. Làn sóng Covid lần 2 như một cú đấm bồi thêm khó khăn khiến thị trường tạm đóng băng thêm lần nữa. Dù nhu cầu mua ở thực vẫn rất lớn, nhưng giao dịch trên thị trường khá im ắng.
Đáng chú ý, sau 2 đợt dịch bệnh bùng phát, giá bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt hoặc chỉ giảm cục bộ không đáng kể. Do đó, dù lãi suất cho vay đã được các ngân hàng nhiều lần điều chỉnh giảm nhưng nhiều người vẫn quyết định đứng ngoài thị trường. Cùng với khó khăn về kinh tế do Covid, nguồn cung sản phẩm ít, tâm lý chờ đợi giá nhà giảm sâu cũng là nguyên nhân khiến thị trường trầm lắng.
Anh Nguyễn Tấn Long, một người dân đang sống ở quận rìa trung tâm Hà Nội cho biết vẫn đang chờ đợi giá nhà giảm sâu hơn để mua ở. Anh đã chọn được một số ngân hàng có lãi suất cho vay rất hấp dẫn, giảm từ 0,5-1% so với cùng thời điểm năm ngoái nhưng dự án mà anh nhắm tới vẫn chưa có động thái giảm giá. Thậm chí, sau khi cất nóc vào tháng 6 vừa qua, giá còn tăng nhẹ thêm khoảng 3%. Theo anh, nguồn hàng thứ cấp do các nhà đầu tư bán lại dù được rao là cắt lỗ giảm giá nhưng mức giảm cũng không nhiều, thậm chí vẫn cao hơn giá gốc của chủ đầu tư. Do đó anh ưu tiên chọn dự án đang triển khai để có giá mềm nhưng chưa thấy dự án nào giảm và nguồn cung mới thì rất ít.
Sau hai đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19, giá nhà chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, chỉ một số sản phẩm đầu tư mới có tình trạng giảm giá, cắt lỗ. Ảnh minh họa
Lý giải nguyên nhân giá nhà khó giảm sâu dù nhiều doanh nghiệp đang lao đao vì dịch bệnh, ông Nguyễn Quốc Anh, chúng tôi cho rằng, các nhà phát triển dự án đã phải bỏ ra chi phí đầu vào khá cao nên kỳ vọng của họ liên quan đến giá bán chưa giảm. Đây cũng là một trong những lý do khiến giá nhà tiếp tục đi ngang thậm chí nhiều dự án tại TP.HCM còn ghi nhận giá tăng nhẹ trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Vũ Cao – Chủ tịch HĐQT Khang Land cũng xác nhận, thị trường BĐS thời gian qua chưa có những sản phẩm đưa ra mà giá thành giảm đủ sâu để khách hàng có thể bắt đáy được. Nghĩa là các sản phẩm mới chưa đủ chạm vào tầm cầu thị hiếu tiêu dùng của khách hàng.
Diễn biến trên cũng phản ánh đúng thực trạng cung – cầu của thị trường bất động sản hiện nay. Bất động sản là mặt hàng có giá trị lớn, rất khó có chuyện giảm giá trong một thời gian ngắn vì những tác động bên ngoài và mang tính chất tạm thời như dịch bệnh. Hơn nữa, nhu cầu mua ở thực trên thị trường rất lớn nên giá nhà sẽ không có xu hướng giảm để kích thích cầu bất chấp sự sụt giảm thấy rõ về lượng giao dịch.
Hiện tại, chỉ những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính đang sốt sắng với khoản thanh toán theo tiến độ mới chấp nhận giảm giá, cắt lỗ để xoay vòng vốn. Đây cũng là lý do khiến nhiều người chờ đợi mua được bất động sản với giá tốt.
Có nên chờ đợi giá nhà giảm thêm?
Chờ đợi là tâm lý của một bộ phận thị trường hiện nay với hi vọng khi kinh tế khủng hoảng, các doanh nghiệp gặp khó khăn, giá bất động sản sẽ giảm trong 6 đến 12 tháng tới. Điều này cũng có cơ sở bởi bất động sản là thành tố quan trọng của nền kinh tế, kinh tế khó khăn, bất động sản cũng không thể khởi sắc.
Tuy nhiên, bản chất cuộc khủng hoảng lần này khác rất nhiều so với 2 cuộc khủng hoảng những năm gần đây. Cụ thể, khó khăn của thị trường chỉ do tác động ngắn hạn từ dịch bệnh chứ không phải đổ vỡ tài chính, bong bóng bất động sản… Hơn nữa, do nhu cầu ở thực rất lớn, nguồn cung khan hiếm nên giá nhà đất cũng khó giảm sâu. Ông Nguyễn Quốc Anh dự báo trong khoảng 6-12 tháng tới, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế khó khăn hơn, sẽ có một số phân khúc bất động sản giảm giá, nhưng bất động sản để ở chỉ giảm khoảng 5%. Riêng bất động sản thương mại, đầu tư có thể sẽ giảm sâu hơn, khoảng 10-15% vì nhu cầu giảm nhiệt, người dân có xu hướng giữ tiền mặt để bảo toàn dòng tiền trong thời kỳ khủng hoảng… Ngược lại, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường sẽ hồi phục nhanh và bất động sản sẽ tăng giá do khan hiếm nguồn cung.
Do đó, theo các chuyên gia, việc có nên mua bất động sản ngay hay chờ đợi thêm trong 6-12 tháng tới cần dựa trên nhu cầu, khả năng tài chính của mỗi cá nhân để quyết định. Cụ thể:
Với những người có nhu cầu ở thực, cấp bách về nhà ở và đủ tài chính vẫn nên xem xét mua vào. Bất động sản là tài sản lớn, đặc biệt loại bất động sản nhà ở luôn có thanh khoản ổn định, khả năng giảm giá không nhiều, người mua nên cân đối bài toán thuê nhà và mua nhà để quyết định xuống tiền. Nếu mua nhà thời điểm này, người mua có lợi thế là dễ thương lượng giá, thậm chí tìm được những tài sản tốt, giá hợp lý của những người gặp khó khăn về kinh tế.
Giá nhà khó giảm trong ngắn hạn và có thể nhanh chóng phục hồi, tăng giá trở lại, do đó người có nhu cầu ở thực nếu đủ tài chính vẫn nên mua nhà. Ảnh minh họa
Với những người có nhu cầu ở thực, chưa quá cấp bách về chỗ ở có thể chờ đợi cuối năm nay, đầu năm sau, hoặc chọn căn hộ đang xây dựng, tận dụng lãi vay ngân hàng để mua nhà trả góp. Hiện tại lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng đã giảm từ 0,5-2% so với những năm trước (thấp nhất 6 năm trở lại đây). Với tình hình hiện nay, lãi suất sẽ được giữ ổn định để kích cầu kinh tế, ít nhất là trong 1-2 năm tới. Trong khi đó, giá bán căn hộ khó giảm vì nguồn cung khan hiếm. Mua căn hộ thời điểm này có lợi thế là chủ đầu tư ít tăng giá theo tiến độ, giá đi ngang hoặc chỉ tăng không đáng kể.
Với những người có tiền nhàn rỗi muốn đầu tư có thể chọn bất động sản thương mại, tuy nhiên nên cẩn trọng với những chiêu làm giá, rao bán cắt lỗ nhưng thực chất là giá ảo. Trong các phân khúc, bất động sản thương mại đang có mức giảm sâu nhất do nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ phải bán tài sản để thu hồi vốn, nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh cũng đang xuống rất thấp. Trong dài hạn, tài sản này vẫn có cơ hội tăng giá và là suất đầu tư sinh lời tốt. Nếu tài chính vừa phải, nhà đầu tư có thể xem xét mua đất nền đủ pháp lý bởi thời điểm này sản phẩm ít bị thổi giá, làm giá so với khi thị trường sốt nóng. Nếu tài chính tốt, có thể xem xét mua nhà, đất thổ cư như một kênh giữ tiền trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đang diễn biến khó lường, kinh doanh khó khăn. Hơn nữa, sau khủng hoảng, bất động sản sẽ nhanh chóng phục hồi và tăng giá nhanh.