[ad_1]
Trả lời câu hỏi của phóng viên về thời điểm tổ chức đấu giá lại các lô đất mà doanh nghiệp bỏ cọc tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong buổi họp báo về tình hình kinh tế, xã hội TP.HCM tháng 2/2022, ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM cho biết trung tâm đấu giá có chức năng làm dịch vụ đấu giá. Việc bán đấu giá được thực hiện trên cơ sở phải có tài sản đấu giá.
“Để thực hiện bán đấu giá, trung tâm phải thực hiện ký kết và thực hiện hợp đồng với cơ quan chức năng. Đến giờ, chúng tôi chưa nhận được thông tin về việc ký hợp đồng bán đấu giá lại, có thể TP.HCM đang trong quá trình xử lý hai doanh nghiệp trúng đấu giá bỏ cọc, bỏ dự án và 2 doanh nghiệp chưa nộp thêm tiền”, ông Hùng chia sẻ.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm từ quận 1 nhìn sang. (ảnh: Lê Toàn) |
Trả lời bổ sung về vấn đề này, Chánh Văn phòng, người phát ngôn UBND TP.HCM Đặng Quốc Toàn cho biết, tại phiên họp tháng 2 và 2 tháng đầu năm vừa diễn ra, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã giao nhiệm vụ cho Sở Tư pháp và Sở Tài nguyên và Môi trường trong quý II/2022 phải đánh giá, tham mưu việc xử lý cho UBND TP.HCM.
“Khi nào có thông tin chính thức, chúng tôi sẽ thông tin cho báo về việc bán đấu giá lại các lô đất ở Thủ Thiêm”, ông Toàn khẳng định.
Thông tin trước đó tại cuộc họp về tình hình kinh tế – xã hội tháng 2 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 3, ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết cơ quan này đang chịu áp lực từ Trung ương trong việc xem xét khả năng tài chính của các doanh nghiệp tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm.
Hiện, 2 lô đất có giá trị lớn nhất tại buổi đấu giá đã xin điều chỉnh kết quả. Còn lại 2 lô đất với giá trị khoảng 8.000 tỷ đồng, các doanh nghiệp vẫn chưa nộp thêm phần tiền theo quy định, ngoài phần đã đặt cọc.
Theo ông Minh, hiện nay, Cục Thuế TP.HCM đang áp dụng các giải pháp để xử lý, tuy nhiên, ông cho rằng, trong vấn đề này, Thành phố cần gặp gỡ các doanh nghiệp để đối thoại nhằm thực thi việc đấu giá. Thời gian tới, Cục Thuế cùng các đơn vị có liên quan sẽ gửi thư đôn đốc nếu việc trễ hẹn dưới 90 ngày. Trong trường hợp các doanh nghiệp trễ hẹn nộp tiền trên 90 ngày thì buộc phải đưa ra các biện pháp cưỡng chế.
Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, cho rằng đến giờ này thành phố chưa đưa ra ý kiến phát biểu gì vì chờ kết luận của các bộ, ngành liên quan xem xét bản chất vấn đề là gì; chỉ đạo của Trung ương về công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Để từ đó, thành phố tổ chức bán đấu giá các quỹ đất tiếp theo trong thời gian tới trên cơ sở pháp lý, quy trình chặt chẽ.
Ông Nên cũng đề nghị UBND thành phố gặp gỡ, trao đổi, bàn bạc, thống nhất với các doanh nghiệp để có thông điệp rõ ràng. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan chức năng có liên quan phải nhìn nhận rõ trách nhiệm, phải có ý kiến chính thức về sự kiện bán đấu giá đất vừa qua. “Hiện tại dư luận rất nhiều chiều, đã đến lúc chính quyền thành phố phải lên tiếng, trong đó có trách nhiệm của các cơ quan liên quan”, ông Nên yêu cầu.
[ad_2]