M&A bất động sản 2022: Trọng tâm sẽ dồn về các tỉnh vùng ven

[ad_1]

Sau một năm sôi động, thị trường mua bán – sáp nhập (M&A) bất động sản bước vào năm 2022 với triển vọng tươi sáng, mà săn đất vùng ven vẫn là khẩu vị ưa thích.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dọn đường cho năm 2022

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia khép lại năm 2021 bằng việc rục rịch M&A trong năm mới. Sau cuộc họp HĐQT ngày 30/12/2021, Chủ tịch An Gia, ông Nguyễn Bá Sáng đã ký quyết định thông qua chủ trương nhận chuyển nhượng dự án bất động sản có quy mô khoảng 3 ha tại huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Trước đó 2 ngày, ông Nguyễn Bá Sáng cũng đã ký quyết định thông qua việc góp vốn tối đa 71,6 tỷ đồng vào vốn điều lệ của Công ty cổ phần Quản lý và Phát triển Lộc Phát. Sau khi việc góp vốn được hoàn tất, Lộc Phát sẽ trở thành công ty liên kết của An Gia.

Trong năm 2022, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trên thị trường M&A bất động sản nhờ lợi thế nắm bắt thị trường tốt hơn các công ty nước ngoài. Hầu hết các thương vụ M&A sẽ liên quan đến dự án ở ngoại ô các thành phố lớn hoặc ở các tỉnh lân cận mà gần đây nổi lên như những trung tâm kinh tế mới.

Cũng trong tháng 12/2021, HĐQT An Gia đã thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2021 (kỳ hạn 12 tháng) với tổng giá trị phát hành tối đa 300 tỷ đồng. Đây có thể xem là phương án điều chỉnh so với kế hoạch chào bán và phát hành tổng cộng 91 triệu cổ phiếu với hy vọng huy động hơn 910 tỷ đồng mà chủ yếu dùng để bổ sung nguồn vốn đầu tư, xây dựng các dự án. Trong đó, ưu tiên bơm 400 tỷ đồng cho Lộc Phát để đầu tư quỹ đất và phát triển dự án tại TP. Dĩ An (Bình Dương).

Riêng vụ nhận chuyển nhượng dự án bất động sản khoảng 3 ha tại Bình Chánh, thông tin cụ thể chưa được An Gia tiết lộ. Tuy nhiên, đối chiếu dữ liệu mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được, thì nhiều khả năng đây là Dự án West Gate Bình Chánh (tổng vốn đầu tư khoảng 2.800 tỷ đồng) từng được An Gia dự kiến cấp khoản vay 127 tỷ đồng cho đơn vị phát triển dự án là Công ty TNHH Western City.

Liên quan đến dự án này, vào quý II/2021, Công ty cổ phần Tư vấn Gia Ân, một công ty con của An Gia, đã phát hành 650 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Số tiền thu về từ đợt phát hành sẽ được Gia Ân dùng để tăng quy mô hoạt động và/hoặc thực hiện hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Western City.

Trái ngược với lo ngại về bức tranh M&A ảm đạm trong đợt Covid-19 lần thứ tư, thị trường M&A bất động sản năm 2021 vẫn sôi nổi với loạt thương vụ lớn khi các doanh nghiệp liên tục mở rộng quỹ đất và thực hiện chuyển nhượng dự án.

Đặc biệt, năm 2021 ghi dấu sự trỗi dậy của doanh nghiệp Việt trên thị trường M&A bất động sản. Theo thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), trong năm 2021, cơ quan này đã tiếp nhận và xử lý 14 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế trong lĩnh vực bất động sản của các doanh nghiệp lớn như Vinhomes, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty cổ phần BCI (lĩnh vực bất động sản công nghiệp), đưa bất động sản là một trong những lĩnh vực có nhiều thương vụ M&A nhất.

Đơn cử, Nam Long Group đã thâu tóm toàn bộ cổ phần của dự án 170 ha tại tỉnh Đồng Nai từ Keppel Land. Dự án 18.600 tỷ đồng này mang tên Thành phố Izumi sẽ được Nam Long bắt tay phát triển cùng Tập đoàn Hankyu Hanshin Properties (Nhật Bản), trong đó Nam Long nắm 65,1% cổ phần và Hankyu Hanshin giữ 34,9% cổ phần.

Novaland, Phát Đạt, Đất Xanh, Tập đoàn Danh Khôi cũng công bố các chiến lược nhằm tiếp tục tìm kiếm và thâu tóm các quỹ đất chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.

Ở khối ngoại, tên tuổi đáng chú ý gần đây là Mitsubishi Corporation (Nhật Bản). Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, vào ngày 13/12/2021, cơ quan này đã tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế giữa Công ty TNHH Tư nhân đầu tư MCOP (MCOP), Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Nam (VIG), Công ty TNHH Phát triển đô thị MC Việt Nam (MCUDV), Công ty cổ phần Kinh doanh bất động sản MV2 Việt Nam (MV2). Theo hồ sơ, VIG dự kiến chuyển nhượng toàn bộ cổ phần (tương đương 80,17% vốn điều lệ) của mình tại MV2 cho MCOP và MCUDV. Đáng chú ý, cả MCOP và MCUDV đều là công ty con do Công ty cổ phần Mitsubishi Corporation nắm 100% vốn điều lệ.

Tiếp tục săn đất vùng ven

Theo đánh giá của JLL, trong bối cảnh thiếu hụt quỹ đất ngay cả trước khi xuất hiện Covid-19, cuộc đua thâu tóm quỹ đất của các nhà phát triển bất động sản được dự báo tiếp tục sôi động và điều này sẽ làm thay đổi diện mạo thị trường nhà ở trong 5 năm tới. Quỹ đất tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM ngày càng khan hiếm, trong khi giá đất không ngừng tăng cao. Các chủ đầu tư đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng và chuyển sang các điểm đến mới đầy tiềm năng. Nhiều thương vụ M&A bất động sản sẽ được tiến hành trong năm 2022 và trọng tâm dồn về các tỉnh vùng ven, vùng ven biển miền Trung, hay thậm chí là khu vực Tây Nguyên.

Giám đốc điều hành Colliers Việt Nam, ông David Jackson cho rằng, ngành bất động sản chịu thiệt hại do đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp không đủ sức hoàn thành các dự án dở dang và buộc phải bán cho đối tác có tiềm lực hơn.

Cũng theo chuyên gia này, những công ty bất động sản có tiềm lực mạnh về tài chính đang có xu hướng săn dự án thông qua các thương vụ M&A, bởi quỹ đất để triển khai dự án riêng rất hạn hẹp, nên họ sẽ ra sức mua lại những dự án chưa hoàn thành và nhanh chóng hoàn thiện để tung ra thị trường.

[ad_2]

Xem thêm