Thời gian qua, các CĐT và sàn môi giới nhanh chóng thích ứng với kế hoạch bán hàng online, tuy nhiên đối với BĐS là tài sản có giá trị lớn, mang tính đặc thù riêng, việc trao đổi thông tin về sản phẩm, đưa ra quyết định mua bán cần có thời gian, xem xét pháp lý, khảo sát thực tế dự án,… mới có thể xuống tiền. Các yếu tố nêu trên, đã tác động đến hiệu quả trong việc triển khai bán hàng.
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kéo dài, nhiều CĐT đưa ra nhiều chính sách bán hàng hấp dẫn nhằm kích cầu thị trường. Cùng với đó, các CĐT và sàn môi giới nhanh chóng thích ứng với kế hoạch bán hàng online. Tuy nhiên, hiệu quả gần như hông mấy khởi sắc.
Theo khảo sát của Hội môi giới BĐS Việt Nam, trong 3 tháng gần đây, 50% số doanh nghiệp môi giới bất động sản tại Tp.HCM chỉ đạt mức doanh thu dưới 10%; 30% có mức doanh thu từ 30-50%. Hai nhóm này đều có nguy cơ rất cao và cao ngưng hoạt động. Theo ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản, trong giai đoạn dịch bệnh, 70% doanh nghiệp môi giới bất động sản gặp khó khăn phải cắt giảm lương của người lao động hoặc ngưng hoạt động.
Theo ông Lâm, vì Covid-19, các kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp môi giới bị đảo lộn, đặc biệt với những đơn vị mới bắt đầu phát triển, mở rộng hệ thống. Việc giãn cách xã hội cũng khiến các doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động nhưng vẫn phải chi trả các chi phí về vật chất, con người, lãi vay… trong khi doanh thu không đáng kể. Điều này khiến doanh nghiệp không trụ nổi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp môi giới hiện cũng gặp vấn đề trong thu hồi công nợ bởi các chủ đầu tư gặp khó, liên lụy đến các sàn.
Ở góc độ CĐT, bà Nguyễn Hương, CEO Đại Phúc Land cũng cho rằng, vì giãn cách xã hội kéo dài, các kế hoạch ra hàng của chủ đầu tư đều bị ngưng trệ, hoãn kế hoạch bởi đa số họ phải tổ chức các sự kiện bán hàng tập trung. Điều này đã khiến doanh thu của các chủ đầu tư bị ảnh hưởng nặng dù đã có kế hoạch thận trọng trước đó.
Theo ghi nhận, hiện nay doanh nghiệp đang áp dụng hình thức chuyển đổi số, ứng dụng hình thức livestream vào trong bán hàng. Với hoạt động livestream trực tiếp trên Fanpage, các khách hàng có thể trực tiếp trao đổi với nhà phát triển dự án, đơn vị phân phối hay các chuyên gia, giải đáp mọi thắc mắc ngay lập tức như trong một sự kiện offline. Bản thân doanh nghiệp phải cố gắng sao cho giống với tiếp thị trực tiếp nhất có thể để khách hàng yên tâm và có đầy đủ thông tin đưa ra quyết định mua hàng.
Theo dữ liệu của nền tảng bất động sản Propzy quý 2/2021, trước khi giai đoạn giãn cách diễn ra, số lượng giao dịch bất động sản ở các khu vực tăng khá cao. Có những khu vực giao dịch gia tăng đến đến 20%. Nhưng ngay lập tức giảm thẳng đứng xuống bởi vì các quy định giãn cách. Và đó cũng là lý do các phương thức mới mẻ hơn đã phải ra đời, trong đó có livestream bất động sản.
Tuy nhiên, khác với bán quần áo hoặc thuốc dưỡng da, đối với livestream bất động sản, các doanh nghiệp cần nhiều thứ hơn là chiếc đèn và chiếc máy tính. Chia sẻ tại Talk show mới đây, bà Phạm Minh Nguyệt – CMO Propzy cho rằng, hình thức livestream thực chất chưa tạo ra được nhiều hiệu quả thực sự cho doanh nghiệp. Bởi các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, đối với hình thức livestream cần xác định có hai chỉ số đánh giá hiệu quả: chỉ số giao dịch thực tế các bất động sản và chỉ số về hiệu quả truyền thông. Mọi người đang đón nhận hình thức này ở khía cạnh truyền thông cho thương hiệu nhiều hơn. Những ghi nhận về chỉ số giao dịch thực tế theo quan sát của bà Nguyệt là còn hạn chế khi thực hiện thông qua livestream.
Thứ hai, giá trị sản phẩm cũng là rào cản đối với hình thức này. Livestream đang rất hiệu quả trong ngành ecommerce và bán lẻ khác bởi vì giá trị của những món hàng đó thấp hơn rất nhiều dẫn đến sự quyết định cũng nhanh chóng và dễ dàng hơn. Trong khi đó, với các sản phẩm bất động sản có giá trị 3-10 tỷ, đặc biệt là nhà phố, đất nền thì chắc chắn đây cũng là một rào cản rất lớn.
Thứ ba, nhóm khán giả xem livestream tại Việt Nam cũng chưa phải đối tượng khách hàng mục tiêu của các doanh nghiệp. Các khách hàng mua được nhà và giao dịch nhà nằm trong tầm tuổi 30 – 55. Thói quen của họ về việc coi livestream và cách tiếp cận đến những hình thức đó cũng còn hạn chế. Chưa kể, tư duy, mức độ chấp nhận, mức độ tin tưởng vào những thông tin được nói trên livestream hay là những thương hiệu đang livestream cũng là vấn đề mà người xem ở độ tuổi đó sẽ quan tâm.
Theo đại diện DKRA Vietnam, thời gian qua, các CĐT và sàn môi giới nhanh chóng thích ứng với kế hoạch bán hàng online, tuy nhiên đối với BĐS là tài sản có giá trị lớn, mang tính đặc thù riêng, việc trao đổi thông tin về sản phẩm, đưa ra quyết định mua bán cần có thời gian, xem xét pháp lý, khảo sát thực tế dự án,… mới có thể xuống tiền. Các yếu tố nêu trên, đã tác động đến hiệu quả trong việc triển khai bán hàng.
Còn theo CEO Đại Phúc Land, phương thức livestream BĐS có hiệu quả trong các bước tiếp cận thông tin ban đầu. Tuy nhiên để chốt sales thì sẽ tuỳ trường hợp. Nếu là thương hiệu uy tín, khách hàng đã biết sản phẩm, biết dự án (khách hàng cũ) thì có thể thuận lợi trong việc chốt bán hàng. Tuy nhiên với các thương hiệu nhỏ, khách hàng mới thì cần thêm trải nghiệm thực tế dự án để đánh giá và lựa chọn khi mua sản phẩm.
“Đây là giải pháp cộng thêm để gia tăng hiệu quả chứ không thể thay thế hoàn toàn cho các phương pháp bán hàng truyền thống vì tính chất đặc thù riêng của BĐS là sản phẩm giá trị cao và tính pháp lý yêu cầu khắt khe để đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia. Tuy vậy, như đã nói ở trên nó là xu thế phát triển của thị trường, tăng sự tiện nghi, hiệu quả, sự minh bạch và chuyên nghiệp của thị trường BĐS”, bà Hương nhấn mạnh.