TP.HCM: Vì sao giá đất đền bù cao gấp 1,7 lần đất đấu giá dọc đường vành đai 3?

[ad_1]

TP.HCM tính toán mức giá đền bù giải phóng mặt bằng tại dự án đường vành đai 3 là 26 triệu đồng/m2, gồm cả tài sản trên đất, khu tái định cư, kinh phí dự phòng đền bù.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM vừa có buổi trao đổi với báo chí để làm rõ hơn vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng tại dự án đường vành đai 3 TP.HCM, khi Kiểm toán Nhà nước đề nghị làm rõ giá đền bù đất dân cư của dự án là 26 triệu đồng/m2 cao gấp 1,7 lần so với mức 15 triệu đồng/m2 mà thành phố tính đấu giá. 
Giải thích về sự chênh lệch mức giá trong đền bù cho dân và đất dự kiến đấu giá ông Phúc cho biết, kinh phí đền bù 26 triệu đồng/ m2 đất trong khu dân cư được TP.HCM tính bao gồm tài sản trên đất, xây khu tái định cư, kinh phí dự phòng đền bù. Giá tính mức đền bù áp dụng ở thời điểm năm 2022. 
Đối với đất mang đấu giá dọc hai bên đường vành đai 3 dự kiến mức tối thiểu là 15 triệu đồng/ m2 đã được TP.HCM và các địa phương có tuyến đường đi qua tính toán sơ bộ, chưa gồm chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật. 
“Sau khi dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, khi đầu tư đường vành đai 3 cùng với các tuyến đường kết nối với các khu đất dọc theo dự án, từ đó giá đất sẽ tăng lên, các khu đất đấu giá cũng sẽ tăng”, ông Phúc giải thích. 
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, giai đoạn 1 của dự án sẽ giải phóng mặt bằng hơn 640 ha đất, với gần 3.900 hộ dân bị ảnh hưởng. Tổng kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng làm dự án khoảng 41.600 tỷ đồng, trong đó TP.HCM có kinh phí lớn nhất với hơn 25.600 tỷ đồng.
Liên quan đến việc thu phí hoàn vốn cho dự án đường vành đai 3, ông Phúc cho biết, việc đầu tư đường vành đai 3 bằng vốn đầu tư công có thuận lợi đi qua các khu vực đô thị, khu dân cư nên sẽ đấu giá đất để lấy vốn đầu tư. Khi Nhà nước tổ chức thu phí hoàn vốn không bị áp lực như đầu tư vì Nhà nước không tính lợi nhuận lãi vay như nhà đầu tư. Vì vậy, giá vé  sẽ được tính phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và khả năng chi trả của doanh nghiệp, người dân. 
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án đường vành đai 3 có tổng chiều dài 76,3 km đi qua 4 tỉnh, thành phố, trong đó TP.HCM 47,5 km, Đồng Nai 11,2 km, Bình Dương 10,7 km, Long An 6,8 km. Điểm đầu của dự án  giao với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), điểm cuối giao với cao tốc Bến Lức – Long Thành (huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Đường vành đai 3, TP.HCM được đầu tư thành đường cao tốc loại A vận tốc thiết kế 100 km/giờ, được phân kỳ đầu tư theo nhu cầu vận tải và sự phát triển đô thị hai bên đường. Ngoài tuyến đường chính, dự án sẽ đầu tư đường song hành hai bên qua khu đô thị khu dân cư với quy mô 2-3 làn xe. 
Dự án có tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng được đầu tư bằng ngân sách Trung ương và địa phương, trong đó ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 là 31.380 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 14.322 tỷ đồng; còn lại là ngân sách địa phương. Tiến độ thực hiện từ năm 2022 đến 2027.

[ad_2]

Xem thêm