[ad_1]
Thị trường bất động sản miền Trung rục rịch hoạt động trở lại. |
Những chuyển động mới
Trong tháng 8/2021, khi dịch Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, ông Nguyễn Bảo Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Babylon đã dự đoán rằng, hoạt động môi giới mua – bán hay đầu tư bất động sản, nếu có thể quay trở lại, thì sớm nhất cũng phải tới giữa tháng 10 – khi mọi người có thể đi lại, gặp gỡ và ký kết hợp đồng.
Đúng như dự đoán của ông Huy, tháng 10 là thời điểm các địa phương miền Trung đã cơ bản khống chế được dịch bệnh và quay trở lại với các hoạt động kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới. Nhờ vậy, thị trường bất động sản bắt đầu có những chuyển động mới.
Trước hết, dấu hiệu cho thấy, thị trường rục rịch trở lại khi các sàn bất động sản trên địa bàn ồ ạt tuyển nhân viên kinh doanh và gấp rút tìm kiếm nguồn hàng mới để phân phối. Cùng lúc, các đơn vị phát triển bất động sản cũng giới thiệu ra thị trường các dự án mới.
– Ông John Campbell, Trưởng Bộ phận Bất động sản công nghiệp
(Savills Việt Nam)
Trong tháng 10/2021, Công ty cổ phần Địa ốc First Real – một doanh nghiệp địa ốc lớn tại Đà Nẵng – đã khai trương Chi nhánh mới tại TP. Tam Kỳ (Quảng Nam), đồng thời ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam (QNIC) để phát triển các dự án bất động sản chất lượng trong thời gian tới. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng thông qua kế hoạch chào bán 13,5 triệu cổ phiếu với tổng giá trị 135,1 tỷ đồng, nhằm tăng quy mô vốn hoạt động và để có nguồn lực phát triển một dự án mới tại Tam Kỳ.
Cùng thời điểm trên, một doanh nghiệp địa ốc lớn khác tại Đà Nẵng là Đất Xanh Miền Trung đã khởi công Dự án Khu nhà ở thương mại thuộc Khu đô thị phức hợp quốc tế Regal Ocean Quang Binh tại bán đảo Bảo Ninh (TP. Đồng Hới, Quảng Bình).
Theo đại diện Đất Xanh Miền Trung, Regal Ocean Quang Binh là khu đô thị phức hợp đẳng cấp quốc tế, quy mô 21 ha, với đa dạng loại hình bất động sản. Dự án có 5 tòa tháp 30-39 tầng, được thiết kế đầy đủ trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao quốc tế, căn hộ. Trong khi đó, khu thấp tầng có dãy nhà ở kết hợp kinh doanh (shophouse), villa shop, nhà liền kề, biệt thự ven hồ, khu dịch vụ 5 sao quanh hồ cùng phố đi bộ ban đêm…
Cũng tại TP. Đồng Hới, trong tháng 10/2021, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đà Thành (DDI) đã công bố việc hợp tác với Công ty cổ phần NewHomes để phát triển Dự án Sunora Quảng Bình. Dự án có tổng diện tích 12,07 ha, với các sản phẩm liền kề, nhà phố. Dự án này đang trong quá trình hoàn thiện xây dựng và thi công hạ tầng.
Tại Quảng Nam, một số dự án cũ tại Khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn cũng bắt đầu rục rịch hoạt động trở lại với các sản phẩm mới như Khu phố chợ Điện Nam Trung, Indochina Riverside, Mallorca…
Riêng tại Hội An, một dự án hoàn toàn mới được giới thiệu ra thị trường trong tháng 10 là Khu du lịch sinh thái Hoian d’Or. Dự án được quy hoạch trên tổng diện tích 24,5 ha, do Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cồn Bắp làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư khoảng 2.330 tỷ đồng.
Ngoài việc các dự án hiện hữu bắt đầu “bung” sản phẩm ra thị trường, thì tại hầu hết các địa phương miền Trung đều xuất hiện các dự án mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, hứa hẹn tạo thêm nguồn cung cho thị trường trong vài năm tới.
Nhiều dư địa phát triển bất động sản công nghiệp
Thời gian 3 quý vừa qua được xem là giai đoạn hết sức ảm đạm với thị trường bất động sản miền Trung. Trong đó, quý II và quý III là thời gian mà hầu như các địa phương đều rơi vào cảnh “đóng băng” hoạt động giao dịch bất động sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tuy vậy, thị trường miền Trung vẫn le lói điểm sáng với phân khúc bất động sản công nghiệp, khi xuất hiện những dự án mới hứa hẹn cung cấp thêm nhiều sản phẩm cho bất động sản công nghiệp. Đó là Dự án Khu công nghiệp Hoàng Mai 1 (Nghệ An), Dự án Đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú (Quảng Trị), Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị (liên doanh giữa Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore, Công ty cổ phần Đô thị Amata Biên Hòa, Sumitomo Corporation)…
Cùng với đó, các khu công nghiệp lớn hiện hữu như VSIP Quảng Ngãi, Khu công nghệ cao Đà Nẵng hay Khu công nghiệp Cơ khí và Ô tô Thaco Trường Hải Quảng Nam vẫn đang thu hút nhiều dự án thứ cấp và nhà đầu tư thứ cấp.
Hiện nay, Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, nên đây là thời điểm thuận lợi để bất động sản công nghiệp miền Trung có thể phát triển.
UBND TP. Đà Nẵng cho biết, tính đến nay, đã có 7 nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng, trong đó gần nhất là Dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng của Tập đoàn Fujikin, với tổng mức đầu tư 35 triệu USD.
Ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Công ty cổ phần Long Hậu Chi nhánh Đà Nẵng – chủ đầu tư Dự án Nhà xưởng công nghệ cao Long Hậu – Đà Nẵng (tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng) cho biết, hiện đã có hơn 10 nhà đầu tư nước ngoài có ý định thuê nhà xưởng của Công ty để triển khai các dự án tại Khu công nghệ cao. Mặc dù tình hình dịch bệnh phức tạp, nhưng đã có 2 nhà đầu tư thứ cấp nước ngoài vào thuê. “Nhiều nhà đầu tư khác vẫn đang quan tâm, nhưng do dịch bệnh, nên chưa thể làm việc trực tiếp”, ông Hiếu nói.
Tại Quảng Bình, tỉnh này cũng đang xem xét để trình Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư với Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Cam Liên (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) của Công ty cổ phần Bất động sản Capella (Capella Land). Dự án có diện tích trên 453 ha, tổng vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng.
Theo báo cáo của nhà đầu tư, Dự án sẽ được quy hoạch theo hướng hiện đại, xanh, sạch, thu hút các nhà đầu tư sản xuất điện tử, cơ khí chế tạo, chế biến nông sản thực phẩm, hàng tiêu dùng, các ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ…, tạo việc làm cho 30.000 – 50.000 lao động địa phương.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá, bất động sản công nghiệp sẽ là phân khúc phục hồi sớm nhất, với tỷ lệ lấp đầy sẽ tiếp tục duy trì như trong quý III/2021. Với Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một số tỉnh, thành phố khác, thị trường sẽ xuất hiện thêm các dự án bất động sản công nghiệp quy mô lớn trong thời gian tới.
Với ưu thế lớn về giá đất và quỹ đất, hạ tầng giao thông ngày càng thuận lợi, chi phí lao động rẻ hơn so với 2 đầu đất nước, kết hợp với làn sóng đầu tư ngày càng tăng lên tại khu vực, chắc chắn, bất động sản công nghiệp miền Trung sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
[ad_2]