[ad_1]
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng thị trường bất động sản vẫn không ngừng tăng trưởng. Ảnh: Đức Thanh |
“Sấm to, mưa nhỏ”
Chưa bao giờ bất động sản lại trải qua trạng thái khó hiểu như giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022. Bắt đầu từ cơn “khô hạn” nguồn cung bởi hạn chế cấp phép, tắc nghẽn chính sách từ năm 2020-2021 kéo dài, những tưởng thị trường đầu năm 2022 sẽ bùng nổ trở lại sau thời gian bị kìm nén, nhưng bắt đầu từ vụ đấu giá đất vàng Thủ Thiêm với giá trên trời, thị trường đã chứng kiến nhiều hệ lụy. Giá bất động sản tăng cao song thanh khoản chậm lại, các chủ đầu tư còn hàng tồn thì đẩy giá cao, sợ bán hớ, khách hàng thì không dám mua vì biên độ tăng giá quá cao. Tình trạng này được ví như “sấm to, mưa nhỏ”.
Tiếp đến là các cơn sốt đất cục bộ trải dài từ Bắc chí Nam. Điển hình ở Lâm Đồng, Cam Lâm (Khánh Hòa), Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Lương Sơn (Hòa Bình), Ba Vì (Hà Nội), Bắc Giang, Phú Thọ… mức giá tăng vọt 50-100%.
Cũng từ màn đấu giá đất Thủ Thiêm, phát hiện ra việc các công ty của Tân Hoàng Minh thực hiện 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ, huy động hơn 10.000 tỷ đồng. “Quả bom” trái phiếu doanh nghiệp phát lộ. Theo tính toán của FiinRatings, dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản đáo hạn trong 2 – 3 năm tới khoảng 138.000 tỷ đồng.
Mới đây nhất, báo cáo trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tổng dư nợ bất động sản của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 4/2022 là hơn 2,28 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng 20,44% tổng dư nợ với nền kinh tế, với tỷ lệ nợ xấu bất động sản khoảng 1,62%.
Chính vì vậy, để ngăn chặn nguy cơ “bong bóng”, Ngân hàng Nhà nước đã bật chế độ kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản, cụ thể là giám sát, kiểm soát chặt dòng vốn chảy vào lĩnh vực này, bao gồm cả kênh tín dụng ngân hàng và phát hành trái phiếu. Chính sách này không khác gì “tiếng sét giữa trời quang” đối với các doanh nghiệp bất động sản sau 2 năm điêu đứng vì Covid-19, khiến thanh khoản chậm, chi phí và giá đầu vào tăng, nợ nần chồng chất.
“Thị trường bất động sản đang phải đối mặt với những đợt thanh lọc như kiểm soát tín dụng bất động sản; thanh kiểm tra; hoạt động phát hành trái phiếu; rà soát, hồi tố thuế thu nhập cá nhân từ giao dịch nhà đất”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest, chưa bao giờ, doanh nghiệp đầu tư bất động sản khó khăn như hiện nay. Ngoài “ma trận” thủ tục pháp lý thì chủ trương siết tín dụng bất động sản với cả người mua và người bán gây khó khăn rất lớn cho thị trường. Khi tín dụng siết lại, trái phiếu cũng được quản lý chặt chẽ, các doanh nghiệp sẽ không có nguồn cung về tài chính.
“Các doanh nghiệp bất động sản đang ở giai đoạn khó khăn nhất vì không có dự án, kiếm dự án vô cùng khó. Với doanh nghiệp, ở đâu có dự án là chúng tôi tìm đến, nhưng ở Hà Nội và TP.HCM gần như không có cơ hội nào. Do đó, doanh nghiệp phải đi tìm kiếm dự án ở các tỉnh xa, nhưng cũng không dễ”, ông Hiệp nói.
Sau mưa trời lại sáng
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng thị trường 6 tháng đầu năm không phải hoàn toàn u ám. Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), trong các tháng đầu năm 2022, có gần 2,7 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đổ vào bất động sản.
“Việt Nam vẫn tiếp tục được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài và có vị thế tốt để thu hút FDI vào ngành kinh doanh bất động sản”, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nhấn mạnh.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng cho biết, dù vẫn có nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, nhưng thị trường bất động sản đã thích ứng và từng bước chuyển biến, có dấu hiệu phục hồi và phát triển. Tổng lượng giao dịch quý sau cao hơn quý trước. Tỷ lệ hấp thụ sản phẩm tại hầu hết phân khúc ở mức cao và hầu như không phát sinh lượng tồn đọng sản phẩm mới. Tỷ lệ bỏ trống văn phòng, mặt bằng thương mại cho thuê giảm dần…
Nhận định về thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm 2022, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Việt An Hòa cho rằng, phân khúc “dễ thở” là căn hộ đã bàn giao, có sổ. Phân khúc này vẫn giao dịch tốt và sẽ có giá hấp dẫn hơn các căn hộ sơ cấp (mua từ chủ đầu tư). Tiếp đó là dòng sản phẩm nhà phố trong trung tâm ở những thành phố lớn vẫn hấp dẫn. Cuối cùng, đất nền các tỉnh gần TP.HCM mức giá hợp lý cũng có thanh khoản tốt.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn nhận xét, bất động sản có mối tương quan với lạm phát. Khi lạm phát tăng cao thì bất động sản cũng sẽ tăng giá theo và được các nhà đầu tư coi là kênh trú ẩn an toàn. Lạm phát tăng, đồng tiền ngày càng mất giá, nhà đầu tư sẽ hướng đến các tài sản có giá trị tích lũy như đất đai hoặc các tài sản có giá trị tăng trưởng lâu dài. Ngoài ra, gói hỗ trợ kinh tế 350.000 tỷ đồng sắp được triển khai, trong đó có gần 114.000 tỷ đồng rót vào kết cấu hạ tầng sẽ càng hỗ trợ sức hấp dẫn cho kênh đầu tư này.
Lạc quan với đà phục hồi chung của nền kinh tế, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam dự báo, các phân khúc như bất động sản công nghiệp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt và dự báo phát triển tích cực hơn trong thời gian tới.
Tương tự, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cũng cho rằng, thị trường bất động sản chỉ chậm lại trong ngắn hạn, nhưng từ nay tới cuối năm đà tăng trưởng của thị trường sẽ tiếp diễn khi nhu cầu đầu tư nhà đất bùng nổ tại nhiều địa phương.
[ad_2]