“Sóng ngầm” cắt lỗ – cơ hội để nhà đầu tư tiềm lực săn hàng

[ad_1]

Do phải chịu áp lực lớn về tài chính nên đã có không ít nhà đầu tư bất động sản phải tìm cách xả hàng, nhưng đây cũng là cơ hội để nhà đầu tư có tiềm lực săn hàng.

Tín dụng bị siết khiến nhiều nhà đầu tư vay vốn để mua nhà phải bán cắt lỗ
Tín dụng bị siết khiến nhiều nhà đầu tư vay vốn để mua nhà phải bán cắt lỗ.

Nhiều nhà đầu tư phải bán đổ bán tháo

Từ Bình Thuận vào TP.HCM lập nghiệp năm 2013, vợ chồng anh Vũ Trọng Kiên khao khát có được căn nhà của riêng mình, nên đã chấp nhận mua trả góp. Cuối năm 2019, sau khi cân nhắc thiệt hơn, vợ chồng anh quyết định mua căn hộ đang xây tại quận 9 (TP. Thủ Đức) với giá 2,2 tỷ đồng.

Anh Kiên cho biết, với việc được ân hạn nợ gốc đến tận lúc bàn giao nhà của chủ đầu tư, vợ chồng anh không quá áp lực về tài chính hàng tháng. Đến năm 2021 thì anh được nhận nhà, lúc này, số tiền nợ gốc và lãi vay hơn 12 triệu đồng mỗi tháng được vợ chồng anh xử lý bằng tiền lương tích cóp và khai thác cho thuê căn hộ.

Thế nhưng, do dự án có vị trí xa trung tâm, hạ tầng kết nối chưa đồng bộ, khiến việc di chuyển mất nhiều thời gian, nên nhà của anh thường xuyên vắng khách thuê. Chưa kể, từ lúc Covid-19 bùng phát đến nay, thu nhập của hai vợ chồng bị giảm sút, không gánh nổi việc trả nợ gốc và lãi vay hàng tháng. Cuối cùng, anh quyết định rao bán lại căn hộ trên với mức lỗ cả trăm triệu đồng.

“Việc bán lỗ là do mất chi phí lãi vay, phí môi giới, khoản phạt tất toán sớm từ nhà băng và thất thu do việc cho thuê ế ẩm. Thế nhưng, tôi buộc phải bán lại căn hộ để giảm bớt áp lực tài chính”, anh Kiên nói.

Trong 2 năm qua, số lượng nhà đầu tư F0 bán cắt lỗ có xu hướng tăng lên. Song, dù bán căn hộ với giá gốc, thậm chí thấp hơn giá mua vào hàng trăm triệu đồng, nhưng vẫn khó tìm khách. 

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, anh Đinh Văn Điềm (38 tuổi) đang ở trọ tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết, cuối năm 2020, anh háo hức khi mua được căn nhà tại khu Đông TP.HCM với giá 1,8 tỷ đồng kèm theo nhiều ưu đãi, chiết khấu cao, tiến độ thanh toán dài. Nhưng cảm giác vui mừng nhanh chóng qua đi khi hạn thanh toán đến gần.

Nhà đầu tư này nhớ lại, với khoản vay hơn 1,3 tỷ đồng (ưu đãi lãi suất cả năm 2021), từ đầu năm 2022 trở đi, lãi vay thả nổi, cộng thêm nợ gốc, mỗi tháng vợ chồng anh thanh toán ngân hàng hơn 25 triệu đồng.

Đến cuối tháng 3/2022, vợ chồng anh quyết định bán căn nhà hình thành trong tương lai này đi để giảm gánh nặng về tài chính. Những tưởng bán nhà là có thể nhanh chóng thu về tiền chênh vài trăm triệu đồng như lời môi giới quảng cáo lúc mở bán, song thực tế khiến anh Điềm bị hụt hẫng vì không ai hỏi mua, phí môi giới lại cao. Trước đây, căn hộ là niềm tự hào, đến nay tài sản này biến thành món nợ dai dẳng.

“Hồi tháng 3, tôi rao bán giá gốc không ai mua, từ tháng 4 đến nay tôi giảm giá 100 triệu đồng, nhưng vẫn chưa có khách quan tâm. Nếu tiếp tục ôm hàng, tôi sẽ bị lỗ tiền lãi suất, chưa kể khoản phí môi giới 2% giá trị hợp đồng”, anh Điềm lo lắng.

 Hết thời đầu tư “lướt sóng”

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Trần Thùy Linh, Phó giám đốc Công ty Đức Linh Real cho hay, trong khoảng 2 năm gần đây, các dự án chào bán sản phẩm thường xuất hiện khá đông nhóm khách hàng F0 (mua nhà lần đầu). Đa phần các khách hàng này chuộng dùng đòn bẩy tài chính với gói ưu đãi lãi suất 1 năm.

Những người này thường háo hức mua nhà, nhưng chưa lường hết những vấn đề phức tạp đằng sau khi các chương trình ưu đãi, khuyến mãi, ân hạn nợ gốc kết thúc. Trải qua 1 đến 2 năm mua căn hộ, luôn có lượng khách hàng F0 âm thầm xả hàng dưới giá vốn do đuối tài chính.

Theo quan sát của bà Linh, trong 2 năm qua, số lượng nhà đầu tư F0 bán cắt lỗ có xu hướng tăng lên. Song, dù các khách hàng F0 này bán căn hộ với giá gốc, thậm chí thấp hơn giá mua vào hàng trăm triệu đồng nhưng vẫn khó tìm khách. Nguyên do vì khó cạnh tranh được với chính sách bán hàng của chủ đầu tư luôn tung nhiều ưu đãi hơn, giãn tiến độ thanh toán dài hơn so với các đợt bán trước để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty Ngọc Châu Á cũng xác nhận, trên thị trường đang xuất hiện khá nhiều trường hợp người mua nhà chỉ ôm trong khoảng 1 năm đến 18 tháng. Sau đó lại âm thầm xả hàng ra, chấp nhận bán bằng giá thời điểm mua vào, nếu tính cả thuế, phí, họ phải chịu lỗ ít nhất 7-8%. Thậm chí có nhóm khách hàng F0 chấp nhận bán lỗ nhiều hơn 10% vì gánh nặng tài chính.

Nhóm khách hàng F0 này đa phần thiếu kiến thức mua nhà. Thời gian đầu, việc thanh toán 15-20%, còn lại ân hạn lãi gốc đến khi nhận nhà khá nhẹ nhàng, nhưng đến lúc nhận nhà, khó khăn tài chính mới bắt đầu xuất hiện. Lúc này, kỳ vọng bán nhanh để chốt lời như kịch bản môi giới vẽ ra lúc bán hàng không thể thực hiện vì thanh khoản thị trường khá yếu. Từ đó, dẫn đến nhiều trường hợp nhà đầu tư F0 đành bán lỗ để thoát áp lực tài chính.

Ở góc nhìn khác, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Việt An Hòa cho rằng, hiện tượng bán cắt lỗ, thoát hàng để thu hồi tiền mặt chỉ diễn ra một cách âm thầm, cục bộ ở một số khu vực, một số nhà đầu tư, chứ không phải là làn sóng bán tháo.

“Trong lúc này, nhiều nhà đầu tư đang tranh thủ để cơ cấu lại tài sản. Nếu người bán giảm đến 10-15% so với thị trường thì nên mua ngay. Cơ hội lúc này dành cho những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, đầu tư dài hạn”, ông Quang phân tích.

[ad_2]

Xem thêm