Ra đòn với tín dụng đầu cơ vào bất động sản

[ad_1]

Khoản vay với những doanh nghiệp, dự án bất động sản có dấu hiệu bất thường, đầu cơ lũng đoạn thị trường… đang bị Ngân hàng Nhà nước tuýt còi.

Từ cuối tuần này, hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng cũng bị giám sát chặt chẽ.

Nhiều vùng đất tại Lâm Đồng đang được các chủ đầu tư săn lùng. Ảnh: Lê Toàn


Dòng tiền đầu cơ vào tầm ngắm

Yêu cầu hàng loạt ngân hàng báo cáo Ngân hàng Nhà nước về thực trạng cấp tín dụng với các đối tượng tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm, bao gồm cả cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu… được coi là cú ra đòn đầu tiên của NHNN đối với tín dụng bất động sản đầu cơ, ngay ngày đầu tiên làm việc của năm 2022.

Hệ quả nhãn tiền là sau khi Ngân hàng Nhà nước tuýt còi tín dụng, một loạt ngân hàng TMCP lên tiếng khẳng định không cấp tín dụng cho các đối tượng trên và đã có tập đoàn bất động sản lên tiếng bỏ cọc lô đất vàng Thủ Thiêm.

Trước đó, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt hơn nữa dòng tiền chảy vào bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, với lĩnh vực bất động sản, cơ quan này sẽ siết chặt tín dụng bất động sản có tính chất đầu cơ. Thậm chí, Ngân hàng Nhà nước còn “dọa”, năm 2022, có thể tiến hành thanh, kiểm tra hoạt động cấp tín dụng cho một số dự án, doanh nghiệp.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc “phanh” tín dụng bất động sản đầu cơ là việc làm rất cần thiết. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã rất nỗ lực xóa sở hữu chéo, song việc cho vay sân sau vẫn hết sức phức tạp. Việc ngân hàng dồn vốn cho các doanh nghiệp bất động sản thân hữu không chỉ gây sốt nóng cho thị trường bất động sản, mà còn gây bất ổn cho cả nền kinh tế và cả hệ thống ngân hàng.

“Nếu không siết chặt tình trạng ngân hàng cho vay sân sau, bắt tay với doanh nghiệp bất động sản mua trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ…, thì đến một lúc nào đó, mức độ nguy hiểm sẽ lan rộng và ngoài tầm tay của cơ quan thanh tra giám sát”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nói.

Cũng theo chuyên gia này, do quỹ đất ngày càng khan hiếm, doanh nghiệp đổ xô xây nhà cao cấp để tối đa hóa lợi nhuận, nên nhà ở ngày càng trở thành giấc mơ xa xỉ với người nghèo và người có thu nhập trung bình. Đồng thời, việc này đẩy một số phân khúc bất động sản rơi vào tình trạng bong bóng.

Không chỉ ra đòn cảnh báo với tín dụng bất động sản đầu cơ, từ cuối tuần này, Thông tư 16/2021/TT-NHNN sẽ có hiệu lực. Theo đó, bắt đầu từ ngày 15/1/2022, hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ. Đáng chú ý, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành nhằm mục đích đảo nợ, góp vốn mua cổ phần tại doanh nghiệp khác hoặc để tăng vốn. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của mình.

Việc chặn dòng vốn đầu cơ từ ngân hàng sang bất động sản cả hai kênh tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ khiến tình trạng đầu cơ bất động sản giảm bớt, từ đó bình ổn thị trường bất động sản và giảm rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Nắn vốn vào lĩnh vực ưu tiên

Trong Nghị quyết 01/NQ-CP vừa ban hành, Chính phủ tiếp tục đưa ra yêu cầu hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các hoạt động cho vay với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Đầu tuần này, Quốc hội cũng đã thông qua gói hỗ trợ kinh tế hơn 300.000 tỷ đồng, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng. Việc Ngân hàng Nhà nước có động thái chặn tín dụng đầu cơ bất động sản ngay trước khi gói hỗ trợ lãi suất này được triển khai cũng phát tiếng nói cảnh báo cho tất cả các bên.

Theo NHNN, tín dụng năm 2022 sẽ được nắn vào các lĩnh vực ưu tiên, trong khi tín dụng với lĩnh vực rủi ro tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ. Trên thực tế, tín dụng bất động sản chưa đến mức đáng báo động.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Hà Thu Giang, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước ) cho hay, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tính đến tháng 10/2021 là gần 2 triệu tỷ đồng, tăng 10,46% (thấp hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế), chiếm gần 20% tổng dư nợ. Cơ cấu tín dụng bất động sản chuyển dịch tích cực, 65% là phục vụ mục đích tiêu dùng, tự sử dụng, chỉ 35% là cho vay kinh doanh bất động sản (gần 700 tỷ đồng).

Mặc dù vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng lường trước khả năng dòng tiền đầu cơ tiếp tục quay vòng sang chứng khoán, bất động sản. Chính vì vậy, cơ quan này đã có động thái siết chặt quản lý.

“Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước nhận diện được việc cần thiết phải có chính sách giám sát chặt chẽ hơn dòng tiền chảy vào các kênh đầu tư. Khả năng kiểm soát dòng tiền này là không dễ trong điều kiện thực tế hiện nay, song NHNN sẽ tăng cường giám sát hơn nữa để các thị trường phát triển lành mạnh”, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Quốc hội vừa thông qua gói hỗ trợ kinh tế hơn 300.000 tỷ đồng. Nếu không cẩn thận, một phần của gói hỗ trợ sẽ lại chảy sang bất động sản, chứng khoán, giống như nhiều nước trên thế giới. Thực tế, năm 2021, nền kinh tế rất khó khăn, nhưng thị trường chứng khoán, bất động sản lại sốt nóng một cách bất thường. Chính vì vậy, kiểm soát tín dụng, nắn dòng vốn chảy vào sản xuất, kinh doanh, thay vì các kênh đầu cơ là rất cấp thiết, tránh rơi vào vết xe đổ như gói hỗ trợ lãi suất trước đây.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế

[ad_2]

Xem thêm