Mặt bằng bán lẻ trước cơ hội phục hồi

[ad_1]

Nhu cầu mở rộng chuỗi cửa hàng của các thương hiệu vẫn đang âm thầm diễn ra, nhất là trước dự báo lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng lên sau khi mở cửa du lịch.

Kỳ vọng lượng khách quốc tế tăng sau khi Việt Nam mở cửa sẽ giúp các trung tâm mua sắm sôi động trở lại Ảnh: Lê Toàn
Kỳ vọng lượng khách quốc tế tăng sau khi Việt Nam mở cửa sẽ giúp các trung tâm mua sắm sôi động trở lại. Ảnh: Lê Toàn

Đua mở rộng thị phần

Bất chấp xu thế bùng nổ của thương mại điện tử, các cửa hàng bán lẻ và trung tâm thương mại không những không co cụm, mà còn tạo nên sức hút đáng kể khi liên tiếp trong thời gian gần đây, nhiều nhà bán lẻ lớn trong và ngoài nước đã có động thái mở rộng thị trường, tăng quy mô cửa hàng so với thời điểm cuối năm 2021.

Chẳng hạn, Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản AEON, mặc dù đang sở hữu 6 trung tâm thương mại, diện tích cho thuê hơn 410.000 m2, nhưng chuỗi siêu thị này vẫn tích cực xúc tiến đầu tư với các địa phương để chuẩn bị cho kế hoạch mở thêm một loạt trung tâm thương mại mới.

Theo CBRE, trong năm 2022, giá thuê mặt bằng bán lẻ dự tính sẽ hồi phục 1,5 – 3,5%. Sang năm 2023, giá thuê dự tính sẽ tăng cao hơn cùng với các nguồn cung mới tại khu trung tâm.

Thiết kế của AEON Mall cũng thay đổi. Lý do được công ty này đưa ra là khách hàng ngày càng chú trọng hơn về sự tiện lợi và lựa chọn các siêu thị nhỏ và vừa, có vị trí gần nhà đối với các sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. Đó là lý do, AEON đã đầu tư cho các cửa hàng AEON MaxValu với diện tích từ 300 đến 500 m2, nằm trong các khu dân cư, nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi đó.

Hiện AEON đã mở 4 siêu thị AEON MaxValu ở miền Bắc và dự kiến mở thêm 3 điểm nữa trong quý I/2022. Công ty đặt mục tiêu mở 20 cửa hàng loại này tại khu vực miền Bắc. Mặt khác, với mục tiêu phát triển 16 trung tâm thương mại tại Việt Nam đến năm 2025, AEON không ngừng tìm kiếm cơ hội đầu tư sau khi đã rót hơn 1 tỷ USD cho 6 trung tâm thương mại cùng hơn 40 cửa hàng chuyên doanh khác.

Còn với nhà đầu tư Thái Lan Central Retail, được biết đến qua thương vụ tỷ USD thâu tóm chuỗi siêu thị Big C, cũng tăng cường sự hiện diện của mình khi mới đây khai trương trung tâm thương mại và đại siêu thị GO! tại tỉnh Thái Bình với mức đầu tư 500 tỷ đồng.

Central Retail liên tục mở rộng hệ thống bán hàng và hiện đã có hơn 290 cửa hàng và 39 trung tâm thương mại ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Central Retail dự kiến rót thêm 1,1 tỷ USD để phủ rộng điểm kinh doanh khắp các tỉnh, thành phố trong 5 năm tới.

Trong khi đó, MM Mega Market, thành viên của Tập đoàn BJC được biết đến với thương vụ mua chuỗi Cash & Carry ở Việt Nam từ Tập đoàn Metro. MM Mega Market còn phát triển thêm mô hình trung tâm dịch vụ thực phẩm (Food Service), kho lưu trữ – phân phối (Depot) và Hybrid Food Service – điểm kết hợp mua sắm cho khách hàng hộ gia đình và khách hàng chuyên nghiệp ở các thành phố du lịch…

Các nhà bán lẻ trong nước cũng nhanh chóng gia nhập cuộc đua mở rộng thị phần khi liên tiếp cho ra mắt nhiều cửa hàng mới. Chẳng hạn, với Nova Consumer – Tổng công ty thành viên trực thuộc NovaGroup, đã chính thức cho ra mắt 3 cửa hàng Nova Market đầu tiên tại TP.HCM vào cuối tuần qua. Công ty này cũng đặt mục tiêu sẽ mở 300 điểm bán trong năm nay.

Thêm lực đẩy từ chính sách mở cửa du lịch

Mặc dù thuộc nhóm ngành chịu ảnh hưởng đáng kể trong hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhưng chiến lược mở rộng quy mô và sự chú trọng đầu tư về trải nghiệm mua sắm của các thương hiệu bán lẻ cho thấy vai trò quan trọng của mô hình cửa hàng trong kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý bộ phận cho thuê mặt bằng bán lẻ Savills TP.HCM, việc những nhà bán lẻ nổi tiếng trong và ngoài nước liên tục cho ra mắt điểm bán mới với quy mô lớn đã cho thấy sự phục hồi nhanh chóng của thị trường bán lẻ Việt Nam.

“Nhiều thương hiệu quốc tế quan tâm thị trường Việt Nam từ năm 2019, nhưng kế hoạch bị trì hoãn do Covid-19. Hiện những thương hiệu này đang tái khởi động kế hoạch ra mắt”, chuyên gia của Savills nói.

Đáng chú ý, từ ngày 15/3, bên cạnh việc mở cửa du lịch, Việt Nam miễn thị thực trong 15 ngày kể từ khi nhập cảnh cho công dân của 13 quốc gia, được xem là một trong những tín hiệu lạc quan với thị trường bất động sản bán lẻ, khi dự báo về lượng khách du lịch tăng, sức tiêu dùng sẽ ngày càng lớn.

Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư cho thấy, giá thuê mặt bằng bán lẻ đang tăng nhẹ so với thời điểm cuối năm 2021, song khách thuê vẫn đang thăm dò.

Đánh giá về mức độ phục hồi, bà Võ Phương Mai, Trưởng bộ phận bán lẻ của CBRE cho rằng, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường này sẽ chưa có nhiều sự chuyển biến lớn. Giai đoạn này thị trường vẫn còn có sự “dò xét” khi các doanh nghiệp bán lẻ vẫn dành thời gian để khảo sát và đánh giá hiệu quả từ các chính sách mở cửa của Chính phủ.

Trong giai đoạn 6 tháng cuối năm, CBRE dự đoán thị trường sẽ có những chuyển biến tích cực hơn, khi việc tiêm vắc-xin được bao phủ diện rộng, các chính sách mở cửa quốc tế đạt được những hiệu quả nhất định. Cùng với đó, thời điểm cuối năm cũng là dịp các thương hiệu trong nước và quốc tế mở rộng chuỗi kinh doanh, bởi thế thị trường này cũng sôi động trở lại.

“Trong năm nay, dự tính có thêm 4 dự án mới khai trương, đóng góp thêm 137.000 m2 diện tích thực thuê cho thị trường. Đây hầu hết là những dự án có kế hoạch khai trương trong năm 2021 nhưng bị trì hoãn do dịch bệnh”, bà Mai nói.

[ad_2]

Xem thêm