[ad_1]
Dòng người không ngừng đổ về các địa phương vùng ven để săn đất. |
Vùng ven hút tiền
Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, liên tục nhiều ngày qua, đặc biệt vào dịp cuối tuần, dòng người không ngừng đổ về các địa phương vùng ven để săn đất.
Anh Nguyễn Đức Phong, nhân viên môi giới tại Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, từ tuần cuối của tháng 10, nhiều khách hàng quen bắt đầu nối lại liên hệ với bên sàn để tìm kiếm các dự án, khu đất tốt. Sản phẩm hướng đến vẫn là đất nền và căn hộ nghỉ dưỡng để đầu tư.
“Nói về chốt giao dịch thành công ở ngay thời điểm này thì còn quá sớm, nhưng thị trường đã ghi nhận mức độ quan tâm tìm mua bất động sản tăng lên hẳn so với tháng trước đó. Với đà này, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm nhiều dự án mới mạnh dạn triển khai bán và cũng sẽ có nhiều nhà đầu tư quay lại với thị trường”, anh Phong nói.
Sự nóng lên của thị trường bất động sản Bà Rịa – Vũng Tàu còn xuất phát từ việc dựa hơi “ông lớn”. Tập đoàn Novaland đã giới thiệu ra thị trường Dự án Bình Châu Onsen (huyện Xuyên Mộc) quy mô 309 ha, trong đó 280 ha là rừng cây xanh, 11 ha suối khoáng nóng tự nhiên, 5 ha công viên chủ đề và 4 ha công viên nước.
Theo thông tin từ các nhân viên bán hàng, đợt này Novaland đưa ra hơn 500 sản phẩm nhà phố và shophouse, với mức giá gần 10 tỷ đồng cho nhà phố và gần 16 tỷ đồng cho shophouse.
Cách đó không xa, Phúc Điền Invest cũng tung ra thị trường Dự án Gia An Lakeside, quy mô 3,44 ha, gồm 213 sản phẩm đất nền liền kề. Mặc dù chưa chính thức mở bán, song ông Hoàng Kim Hoài, Tổng giám đốc Công ty Phúc Điền Invest cho biết, Dự án nhận được sự quan tâm rất lớn trên thị trường với hàng trăm khách hàng đặt mua.
Ngoài Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai cũng là thị trường đang được quan tâm. Cuối tuần qua, khi việc lưu thông giữa các địa phương phía Nam hoàn toàn được thông suốt, Trung tâm Giao dịch bất động sản của Novaland đặt trong khuôn viên Dự án Aqua City ở Biên Hòa luôn trong tình trạng đông nghẹt khách hàng. Trong đợt chào bán này, Novaland tung ra thị trường sản phẩm nhà phố phân khu Sunharbor, có giá bán hàng chục tỷ đồng/sản phẩm, thu hút rất nhiều khách.
Liền kề Aqua City, Tập đoàn Nam Long công bố Dự án Khu đô thị tích hợp Izumi City trên đường Nam Cao và Hương Lộ 2, TP. Biên Hòa (Đồng Nai). Với tổng mức đầu tư 18.600 tỷ đồng, Izumi City có quy mô 170 ha, cung cấp nhiều loại hình bất động sản như căn hộ, nhà phố, biệt thự, grand villa…
Một loạt dự án khác tại Đồng Nai và Bình Dương như Gem Sky World của Tập đoàn Đất Xanh, Legacy Central của Công ty Bất động sản Kim Oanh… cũng vừa tung nguồn hàng lớn ra thị trường.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Kim Oanh cho biết, mới đây, doanh nghiệp đã mở bán trực tuyến 200 căn hộ thuộc Dự án chung cư Legacy Central tại khu vực TP. Thuận An (Bình Dương). Chỉ sau vài giờ bán hàng online, Dự án đã chốt thành công 150 căn.
“Trong giai đoạn còn nhiều khó khăn, thị trường mới mở cửa mà nhu cầu của khách hàng đã tốt như hiện nay là tín hiệu đáng mừng và là động lực để các doanh nghiệp mạnh dạn tung ra nguồn cung mới vào cuối năm nay”, bà Oanh nói.
Không nên tính ‘lướt sóng’
Theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam, quỹ đất tại TP.HCM không còn nhiều, trong khi người mua nhà thiên về xu hướng tìm kiếm các bất động sản có yếu tố chất lượng và dịch vụ ngày càng cao, đòi hỏi các dự án phải có hệ sinh thái đầy đủ như trường học, bệnh viện, công viên… với giá bán hợp lý. Để triển khai những dự án như vậy, bên cạnh tiềm lực tài chính mạnh, còn đòi hỏi phải sở hữu quỹ đất lớn.
Tại TP.HCM, các chủ đầu tư khó lòng kiếm được quỹ đất 100 – 200 ha, thậm chí hiện tại, vài chục héc-ta cũng không dễ dàng, thì tỉnh lân cận lại là nơi còn “màu mỡ” về quỹ đất. Việc các doanh nghiệp và nhà đầu tư dịch chuyển về vùng lân cận các thành phố lớn là xu hướng tất yếu của thị trường và sẽ còn bùng nổ trong các năm tới. Xu hướng này mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người mua nhà.
Cùng với sự dịch chuyển của chủ đầu tư thì người mua nhà, dân đầu cơ dịch chuyển theo, tạo nên làn sóng sôi động cho thị trường bất động sản vùng ven TP.HCM. Ông Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, bên cạnh quỹ đất, dự án khan hiếm, thì giá thành cao ở khu trung tâm cũng khiến người mua nhà dịch chuyển về vùng ven để kiếm cơ hội an cư cũng như đầu tư.
“Bất động sản chỉ cách nhau một con sông, nhưng ở TP.HCM giá gấp 3 – 4 lần so với tỉnh lân cận, đó là lý do nhiều khách hàng tìm đến vùng ven để mua. Hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng liên tục được mở rộng và hoàn thiện cũng là đòn bẩy giúp các nhà phát triển bất động sản tự tin hơn khi triển khai dự án ở vùng ven, còn người mua nhà thì thay đổi dần văn hóa sở hữu bất động sản, chấp nhận đầu tư, mua nhà ở xa khi mà việc di chuyển không còn là rào cản”, ông Kiệt nói.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia cũng khuyến nghị, trước khi đổ bộ về thị trường tỉnh giáp ranh TP.HCM thời điểm này, các nhà đầu tư không nên tính đến kịch bản “lướt sóng”, mà phải nắm giữ tài sản nhiều năm mới mong có lãi.
[ad_2]