Bộ Xây dựng đề nghị khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, các địa phương phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà ở cho công nhân.
Bộ Xây dựng vừa có công văn số 3822 gửi UBND các tỉnh, thành phố về giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
heo đó, Bộ Xây dựng đề nghị khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, các địa phương phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.
Bên cạnh đó, các địa phương cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội; đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Cùng đó, nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân cần được nâng cao chất lượng; có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp.
Các địa phương cần bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao… trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội; nhất là tại khu vực có đông công nhân và người lao động.
Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện các chính sách, chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.
Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã giao trong Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/1/2017 về việc đẩy mạnh phát triển nhà xã hội.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (bao gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, giáo dục và các công trình văn hóa, thể thao). Phấn đấu từ năm 2026 trở đi, tất cả khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, thời gian qua, tác động của dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhất là các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp. Việc sản xuất kinh doanh ở các khu công nghiệp gặp khó khăn, làm đứt gẫy chuỗi cung ứng sản xuất, thiếu hụt lực lượng lao động…
Một trong những nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do các địa phương chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà công nhân (nhà lưu trú), nên không đảm bảo được việc thực hiện 3 tại chỗ (ăn, ngủ, làm việc) tại khu công nghiệp.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp phòng chống dịch COVID-19 để bảo vệ sức khỏe, việc làm, thu nhập của người lao động cùng các gói hỗ trợ công nhân lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn.
Cụ thể, ngày 14/6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.
Ngày 12/8, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP về phiên họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về tình hình kinh tế-xã hội tháng Bảy và 7 tháng năm 2021.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách; chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan có giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở cho tại các khu công nghiệp.
“Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đang tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở 2014; trong đó chính sách nhà công nhân được nghiên cứu, quy định cụ thể hơn để khuyến khích đầu tư phát triển” – lãnh đạo Bộ Xây dựng khẳng định.
PHƯƠNG UYÊN