Ai hưởng lợi khi Phú Quốc lên thành phố?

Việc Phú Quốc trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam nhận được sự đồng thuận từ chính quyền, người dân và nhà đầu tư. Một thành phố biển đảo đủ tiềm năng vươn lên tốp điểm đến biển đảo hàng đầu châu Á đang dần trở thành hiện thực.

Các nhà đầu tư lớn chung tay phát triển Đảo Ngọc

Mới đây, 23 nhà đầu tư có tiềm lực trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng tại Phú Quốc như VinGroup, BIM Group, Sun Group… đã tập hợp và thành lập Hội đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc (Phu Quoc Investment Tourism Development Association – PITDA) – tổ chức xã hội nghề nghiệp có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.

Lần đầu tiên du lịch Việt Nam ra đời một tổ chức quy tụ sức mạnh của các nhà đầu tư lớn chung tay phát triển điểm đến. Mục tiêu của PITDA là tập trung quảng bá, xúc tiến hình ảnh của Phú Quốc, không chỉ ở thị trường du lịch trong nước mà còn ở thị trường quốc tế, đặc biệt là các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, các nước ASEAN và châu Âu; thu hút du khách đến với Phú Quốc thông qua các kênh truyền hình quốc tế và các hình thức quảng cáo phù hợp.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng đóng góp và đề xuất giải pháp phát triển du lịch của Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cũng như góp phần vào định hướng phát triển kinh tế – xã hội của Phú Quốc trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thế Lam, Chủ tịch PITDA, phát biểu: “Với nhiệm vụ trên vai của mình, hội sẽ tập trung thúc đẩy, kêu gọi đầu tư, đồng thời xây dựng, phát triển du lịch bền vững cho đảo ngọc Phú Quốc, với mục tiêu mọi người dân Việt Nam và nhiều nước trên thế giới biết đến Phú Quốc xinh đẹp của chúng ta.”

Từ khi UBND tỉnh Kiên Giang xin Thủ tướng cho tạm dừng qui hoạch đặc khu để đưa huyện đảo trở thành thành phố biển đảo đầu tiên tại Việt Nam, Phú Quốc đã thu hút trên 300 dự án đăng ký đầu tư với số vốn cam kết lên tới 16 tỷ đô la Mỹ.

Sự đồng thuận của người dân

Thông tin thành lập đặc khu từng tạo ra nhiều cơn sốt đất tại Phú Quốc khiến người dân bức xúc, để lại ấn tượng chưa đẹp về Phú Quốc trong mắt du khách. Từng chứng kiến tình trạng xây dựng bát nháo, ông Nguyễn Văn Hậu, một người dân ở An Thới, cho biết: “Một hòn đảo đẹp như thế này cần được qui hoạch đúng đắn, đầu tư xứng tầm.”

Phát biểu trên Thanh Niên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhận định: “Nếu trở thành thành phố, Phú Quốc sẽ được phát triển quy củ hơn, bình tĩnh hơn, không xô bồ, nóng vội như hiện nay. Đây vừa là tiền đề để Phú Quốc đột phá du lịch, tăng trưởng kinh tế…”

Theo báo cáo của UBND huyện Phú Quốc, hơn 96% cử tri ở Phú Quốc được lấy ý kiến đã đồng ý nâng cấp huyện đảo du lịch lên thành phố. Cùng với quá trình phát triển kinh tế – xã hội của thành phố biển đảo Phú Quốc, nhiều dự án hợp tác về kinh tế của các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp kết hợp với hạ tầng đồng bộ của đô thị sẽ tạo ra nhiều cơ hội giải quyết việc làm, góp phần nâng cao thu nhập và mức sống của người dân.

Thị trường bất động sản: khi niềm tin quay lại

Hai năm qua, thị trường bất động sản Phú Quốc diễn ra quá trình thanh lọc mạnh mẽ. Tình trạng đầu tư “lướt sóng” giảm dần, nhường chỗ cho những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính vững mạnh, tầm nhìn dài hạn. Nhóm đầu tư này mong đợi sự phát triển đúng hướng của Phú Quốc sẽ giúp thị trường bất động sản bứt phá, có tiềm năng sinh lời ổn định.

Hiện tại, Phú Quốc đã trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước với hơn 22.000 phòng lưu trú, hơn một nửa trong số đó có tiêu chuẩn từ 3-5 sao với sự đầu tư của nhiều tập đoàn lớn nhưng với tốc độ tăng trưởng du lịch chưa năm nào đón dưới 30% thì hệ thống trên vẫn chưa đủ đáp ứng.

Đáng chú ý, quy hoạch thành phố Phú Quốc mới sẽ đón hàng vạn người di cư từ đất liền ra đảo. Những năm gần đây, tốc độ tăng dân số Phú Quốc luôn trên 18%. Trong đó, chủ yếu là gia tăng cơ học với một lượng không nhỏ là nhân sự chất lượng cao, các chuyên gia nước ngoài làm việc tại các dự án bất động sản hay các khách sạn, resort trên đảo.

Một nhà phân phối bất động sản lâu năm tại Phú Quốc chia sẻ: “Phú Quốc đã và đang thu hút nhiều thương hiệu quốc tế cao cấp trong lĩnh vực khách sạn, nghỉ dưỡng và bùng nổ loại hình Shophouse (nhà phố thương mại), Shoptel loại hình nhà phố thương mại cho phép kết hợp giữa kinh doanh dịch vụ mua sắm  (shopping) và dịch vụ khách sạn (hotel). Đây là xu hướng tất yếu khi thành phố biển đảo này sẽ nhanh chóng là điểm du lịch mới nổi tại khu vực Châu Á.

Mặc dù trong bối cảnh du lịch đang gặp khó khăn vì dịch bệnh, chúng tôi vẫn chứng kiến các giao dịch các căn shophouse, shoptel diễn ra tương đối đều đặn, điển hình như dự án Phu Quoc Marina Square ở khu vực Bãi Trường, dù sản phẩm đã bán ra hết từ lâu nhưng hiện tại vẫn xuất hiện giao dịch giữa các nhà đầu tư thứ cấp kể cả trong dịch bệnh.”

Anh Long Hải, một nhà đầu tư vừa khai trương khách sạn theo mô hình khách sạn cao cấp mô hình boutique hotel tại dự án Phu Quoc Waterfront, Bãi Trường cho biết: “Tháng 7 vừa rồi, dù khai trương trong thời điểm Covid-19 chưa được khống chế hoàn toàn nhưng chúng tôi tự tin với tình hình kinh doanh. Một phần vì môi trường ở Phú Quốc và nỗ lực khống chế tốt dịch bệnh của chính quyền, một phần là phản hồi tích cực từ các du khách. Chúng ta vẫn phải kinh doanh và linh hoạt trong môi trường bình thường mới”.

Tất cả đang chuẩn bị cho sự vươn lên mạnh mẽ, tương xứng với tiềm năng vốn có của Phú Quốc. Tương lai gần, thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam sẽ sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với các điểm đến du lịch biển đào hàng đầu châu Á.

Xem thêm