[ad_1]
TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong các nguồn vốn cho bất động sản, thì Quỹ Đầu tư bất động sản ra đời muộn nhất. Về mặt lý thuyết, đây là kênh đầu tư nếu được quản lý hiệu quả sẽ mang hiệu quả cho nền kinh tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư, đồng thời, giúp thị trường phát triển lành mạnh, giảm nhẹ rủi ro cho các đối tượng liên quan.
Tại Việt Nam, số lượng quỹ đầu tư bất động sản đến nay chưa nhiều, với đa phần là của nước ngoài, hoạt động theo cơ chế huy động vốn từ thị trường nước ngoài rồi đầu tư vào bất động sản ở Việt Nam, sau đó lại niêm yết ở nước ngoài.
Hội thảo “Khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam”. |
Theo đánh giá của ông Sang, nhìn chung, các quỹ đầu tư REIT trong nước phát triển tương đối chậm, chủ yếu gặp các hạn chế, rào cản phát triển.
Thứ nhất, thời gian được phép chuyển nhượng tương đối dài khiến các nhà đầu tư không “mặn mà” rót tiền vào quỹ này; theo đó, nhà đầu tư rót vốn 13 – 30% vào quỹ bất động sản mất 6 năm để chuyển nhượng.
Thứ hai, giới hạn vay cũng gây khó khăn cho việc vận hành Quỹ (giới hạn vay của quỹ đầu tư bất động sản là 5% trên tổng giá trị tài sản ròng khá khiêm tốn, trong khi vốn chủ sở hữu lên đến 15%.
Thứ ba, nhà đầu tư chịu mức chiết khấu khá cao (vì các quỹ REIT chủ yếu là của quỹ nước ngoài).
Vì vậy, TS. Lê Xuân Sang đề xuất, đối với các quỹ đầu tư bất động sản cần nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi các quy định liên quan đến chuyển nhượng. Cơ quan quản lý cần tăng cường, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện và áp dụng các chuẩn mực quốc tế về tài chính, báo cáo tài chính đối với trái phiếu bất động sản cũng như các quỹ REIT để bảo đảm tính công bằng, đánh giá hữu hiệu, đồng nhất hơn về chất lượng quản trị và kết quả hoạt động của doanh nghiệp và các quỹ.
Bà Hoàng Hải Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam cũng cho rằng, các sản phẩm tài chính đặc thù cho bất động sản chưa phát triển đa dạng khiến cho dòng vốn trên thị trường chứng khoán được thu hút chủ yếu vào hai thị trường cổ phiếu và trái phiếu, trong đó thị trường trái phiếu doanh nghiệp là thị trường mới phát triển nên có nhiều rủi ro cho nhà đầu tư do hành lang pháp lý chưa được kiểm nghiệm thực tế về khả năng bảo vệ nhà đầu tư. Hiện nay, chỉ mới có một quỹ Bất động sản Techcom Việt Nam.
Theo bà Hoàng Hải Anh, cần đa dạng hóa các sản phẩm tài chính đặc thù cho thị trường bất động sản tạo nên sự hấp dẫn về sản phẩm của thị trường chứng khoán thay thế cho sự hấp dẫn của các “đội lái” như giai đoạn vừa qua.
“Cần đa dạng hóa các sản phẩm tài chính cho ngành bất động sản, đặc biệt hướng dòng vốn vào sử dụng các sản phẩm tài chính tiêu chuẩn thì cần thiết phải nghiên cứu các giải pháp tạo nên sức hấp dẫn cho sản phẩm quỹ đầu tư bất động sản. Đối với nhà đầu tư, việc đầu tư thông qua quỹ với bộ máy chuyên nghiệp, được đa dạng hóa danh mục và dưới kết cấu quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý thì sẽ ít rủi ro hơn đầu tư trực tiếp vào cổ phiếu của một công ty bất động sản”, bà Hoàng Hải Anh đề xuất.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng, cần có hướng dẫn, cho phép thành lập các định chế tài chính bất động sản chuyên biệt: Quỹ/cơ quan tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REITs), cơ quan tái tài trợ bất động sản thế chấp nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản…
Đối với doanh nghiệp bất động sản, ngoài vốn tín dụng, doanh nghiệp bất động sản cần lưu tâm, linh hoạt huy động vốn từ các kênh khác (phát hành trái phiếu, chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, chương trình ESOP, cổ phiếu quỹ, quỹ đầu tư, trái phiếu công trình, thuê tài chính. Các doanh nghiệp cần hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp và chân chính, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết và hạn chế 3Ds (đòn bẩy, đầu cơ, đám đông…).
[ad_2]