[ad_1]
TP.HCM dự kiến cho đấu giá hàng loạt khu đất nhằm bổ sung nguồn vốn phục vụ hoạt động đầu tư |
Dự án nhiều, nhưng nguồn vốn có hạn
Quốc lộ 13 được xem là tuyến đường huyết mạch không chỉ giúp TP.HCM kết nối với tỉnh Bình Dương, mà còn thông suốt tới Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên. Trong khi đoạn qua tỉnh Bình Dương đã mở rộng lên 6 làn xe và chuẩn bị tăng lên 8 làn xe, thì đoạn hơn 5 km ở TP.HCM vẫn chỉ có 2 làn xe, gây ùn ứ kéo dài cả cây số đoạn từ ngã tư Bình Triệu đến gần giao lộ đường Hiệp Bình.
Theo tìm hiểu, Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 trước đây thuộc giai đoạn II của Dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2. Năm 2007, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) bắt đầu nghiên cứu đầu tư dự án này và lên phương án mở rộng lên 10 làn xe, tổng vốn đầu tư 1.941 tỷ đồng, đến năm 2011 được điều chỉnh lên 4.723 tỷ đồng.
Do việc huy động vốn khó khăn, CII đã đề xuất bóp lộ giới mở rộng Quốc lộ 13 từ 53 m xuống còn 42 m, với vốn đầu tư 3.182 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thiếu ngân sách đền bù giải tỏa, nên Dự án tiếp tục “án binh bất động” đến nay.
Câu chuyện trên là điển hình của tình trạng thiếu vốn của TP.HCM. Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM, giai đoạn 2021 – 2025, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng của TP.HCM là 533.529 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của Thành phố đã được Quốc Hội thông qua chỉ có 142.557 tỷ đồng, đủ bố trí cho các dự án chuyển tiếp, không đủ cân đối để thực hiện các dự án đầu tư mới trọng điểm, cấp bách thuộc Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng đã được UBND TP.HCM phê duyệt.
Lấy đất “nuôi” hạ tầng
Theo thống kê của Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, dọc Xa lộ Hà Nội (TP. Thủ Đức) có khoảng 60 khu đất với tổng diện tích khoảng 200 ha do Nhà nước quản lý, đa số hiện được sử dụng làm kho bãi. Nếu tổ chức bán đấu giá những khu đất này (dù thẩm định giá thấp hơn các lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm), thì Thành phố sẽ có nguồn thu “khủng lồ” bổ sung vào ngân sách, phát triển các dự án giao thông hạ tầng cấp bách.
Một phương án khả dĩ khác nhưng chưa được triển khai rộng rãi là khai thác quỹ đất dọc hai bên đường. Chẳng hạn, tại Dự án đường Vành đai 3, TP.HCM đã rà soát sơ bộ quỹ đất, vùng phụ cận dọc tuyến đường thuộc các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi có quỹ đất nông nghiệp 2.413,4 ha, trong đó khoảng 514 ha đất nông nghiệp do Nhà nước trực tiếp quản lý, có thể khai thác bán đấu giá khoảng 27.000 tỷ đồng.
Mặc dù chủ trương bán đấu giá để tăng vốn ngân sách đã có, nhưng sau sự kiện đấu giá đất Thủ Thiêm vào cuối năm ngoái đến nay, TP.HCM vẫn chưa có vụ đấu giá đất công nào khác. Theo ông Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật, Đại học Luật Hà Nội, không nên vì câu chuyện Thủ Thiêm mà siết quá chặt các quy định.
Trong khi đó, bà Đoàn Thị Phương Diệp, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế – Luật TP.HCM cho rằng, Thành phố cần tiếp tục tổ chức đấu giá các lô đất ở Thủ Thiêm để có đầy đủ dữ liệu, bởi một trường hợp đơn lẻ không thể “quy nạp” cả hệ thống và đưa ra các nhận định khi chưa có minh chứng về việc giá đất ở Thủ Thiêm tăng đột biến.
Theo bà Diệp, hiện có nhiều quy định tác động đến việc đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng chỉ có 3 luật ảnh hưởng chính gồm Luật Đất đai, Luật Đầu tư và Luật Đấu giá tài sản. Cùng một quá trình tham gia đấu giá, các điều kiện lại được quy định ở nhiều luật khác nhau. Do đó, với một loại tài nguyên đặc biệt, quyền sử dụng đất, nhất là đối với đất công, cần có cơ chế pháp lý riêng về đấu giá để có thể đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn.
Ngoài ra, quy định hiện tại chưa phân định quy trình khi đấu giá quyền sử dụng đất có giá trị lớn với đấu giá các loại tài sản khác. Việc này dẫn đến thiếu quy định thẩm tra năng lực tài chính, ký quỹ hoặc tài sản đảm bảo cho đơn vị đấu giá để tránh tình trạng bỏ cọc… Chưa kể, các quy định trong Luật Đấu giá còn có kẻ hở, dẫn đến tình trạng có thể bị thông đồng giá để trục lợi.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, không nên cứ chăm chăm vào siết doanh nghiệp, mà cần tạo khung pháp lý thuận lợi cho công tác đấu giá, không tạo thêm rào cản cho nhà đầu tư. “Trong nhiệm vụ hoàn thiện pháp lý, phải đặt rõ quan điểm, tìm ra công cụ đấu giá quyền sử dụng đất hợp lý để tăng giá trị sử dụng đất, chứ không chỉ tập trung vào giá đất”, ông Hiếu nói.
Ông Hiếu cũng lưu ý, Nhà nước cần sớm hoàn thiện định hướng xây dựng khung pháp lý cho hoạt động đấu giá đất công thuận lợi, hợp lý, trong đó hết sức cân nhắc tính khả thi của các biện pháp. “Càng đặt rào cản thì sẽ càng giảm năng lực cạnh tranh, mất đi các nhà đầu tư tốt, nên phải cân bằng mọi việc”, ông Hiếu nói.
[ad_2]