“Thoát hàng nhanh vì dịch”, “nợ ngân hàng buộc bán lỗ”… là những lời rao bán bất động sản (BĐS) nhằm thu hút người mua nhà để ở lẫn nhà đầu tư trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo người mua lẫn người bán cần cẩn trọng khi tiến hành giao dịch để tránh sập bẫy lừa đảo.
Người mua nhà, đất phải cẩn trọng tối đa trước những tin rao BĐS giá rẻ so với thị trường. Ảnh: QUANG HUY
Ôm tiền cọc rồi biệt tăm
Lừa bán nhà, đất, nhận tiền đặt cọc rồi trốn mất tăm là cái bẫy mà nhiều người mua nhà dính phải. Khi người mua giao tiền cọc, theo hợp đồng thì sau 1-2 tháng sẽ ký kết hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, khi tới thời hạn, người bán viện đủ lý do không thể ra công chứng rồi bỏ trốn.
Ông Thuần (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết cách đây mấy tháng ông đặt cọc mua miếng đất của một người quen qua bạn bè là ông B. “Ông ấy gửi giấy tờ nhà qua Zalo, ảnh chụp sổ phôtô nhưng đứng tên người khác. Ông B. giải thích đó là tên vợ rồi yêu cầu tôi đặt cọc 50 triệu đồng. Thấy tôi chần chừ, ông nói vì là chỗ quen biết nên giảm xuống 30 triệu đồng, hẹn hết giãn cách xã hội sẽ ra công chứng” – ông Thuần kể. Sau đó, ông Thuần đề nghị làm hợp đồng đặt cọc rồi ship qua để hai bên ký nhưng ông B. cứ hứa hẹn rồi tắt máy, mất liên lạc luôn.
Một trường hợp khác, ông Thành (quận 12) lại bị người bán lừa, lấy nhà của người khác bán cho ông. Trước đó, ông Thành thấy tin rao một căn nhà hơn 100 m2 ở quận 12, có sổ hồng mà giá chưa tới 2 tỉ đồng. Người rao tin tên Nguyễn Văn Dũng. Khi xem giấy tờ nhà, ông Thành thấy tên chủ nhà là người khác nên thắc mắc. Ông Dũng đã gửi một giấy tờ thỏa thuận giữa ông và người đứng tên mảnh đất, nội dung thể hiện ông Dũng là chủ đất thật sự, nhờ người đứng tên thay.
“Cả tin và cũng vì ham rẻ, tôi đặt cọc 100 triệu đồng, về sau mới biết giấy thỏa thuận kia là giả. Ông Dũng nhiều lần hứa hẹn nhưng vẫn chưa đi làm thủ tục sang tên như thỏa thuận. Tôi đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an” – ông Thành nói. Sau đó, ông Thành nhờ người xác minh mới biết chủ đất có nhờ môi giới bán đất nhưng giá cao hơn nhiều giá ông Dũng rao và họ cũng không biết ông Dũng là ai.
Một luật sư cho biết còn có trường hợp gài bẫy người bán nhận tiền cọc rồi tìm cách phá cọc, đòi bồi thường gấp đôi. Những người lừa đảo thường là nhóm cò đất đặt cọc lấy giá rồi tìm khách để bán. Nếu có khách mua cao hơn thì họ sang tay hưởng chênh lệch, nhưng nếu giá đất không tăng hoặc không có khách mua thì họ phá cọc và đổ lỗi cho người bán để đòi thêm tiền.
Cò thường lừa những chủ đất nông nghiệp nhưng hợp đồng đặt cọc môi giới soạn lại ghi là đất trong khu dân cư hiện hữu. Người bán sơ suất không đọc kỹ. “Nếu không tìm được khách, nhóm cò này sẽ bám vào nội dung hợp đồng để tố người bán đất gian dối, ép họ phải trả lại tiền cọc và bồi thường tiền. Nhiều người bán sợ kiện tụng, không nhờ luật sư tư vấn mà chấp nhận trả tiền cọc và bồi thường một khoản không nhỏ” – vị luật sư chia sẻ.
Thấy giá rẻ đừng vội vàng
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, khuyến cáo người mua nhà, đất phải cẩn trọng, đầu tiên phải yêu cầu được xem bản gốc sổ đỏ hoặc sổ hồng. Người mua cần kiểm tra về pháp lý, quy hoạch của nhà đất đó. Đồng thời, yêu cầu bên bán cung cấp CMND/CCCD. Nếu người đứng tên trên hợp đồng trùng với CMND/CCCD và thông tin trên sổ thì mới giao tiền đặt cọc. Người mua nên giao dịch tiền trực tiếp với chủ nhà, không thông qua môi giới, tránh rủi ro nhất là trong thời điểm mùa dịch.
“Khi ký hợp đồng đặt cọc cần đọc thật kỹ các điều khoản. Việc soạn hợp đồng nên do bên bán chủ động và bàn bạc kỹ với bên mua về nội dung, nhất là các điều khoản liên quan đến việc thực hiện hợp đồng và thời gian thực hiện hợp đồng” – ông Quang tư vấn.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), trong các năm qua, hoạt động huy động vốn tại một số dự án phân lô bán nền hình thành trong tương lai thường thông qua hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng đặt cọc giữ chỗ. Thậm chí có trường hợp bên huy động vốn chỉ lập phiếu thu đặt cọc giữ chỗ hay biên bản đặt cọc có xác nhận của thừa phát lại, có dấu hiệu lừa đảo, kinh doanh đa cấp biến tướng. Đây là vấn nạn, gây nhiều bức xúc, cần được bổ sung các quy định để kiểm soát.
Ngoài ra, do sự thiếu đồng bộ của các quy định pháp luật đã dẫn đến việc chủ đầu tư nhận tiền đặt cọc quá nhiều, thậm chí có trường hợp nhận đến hơn 90% giá trị BĐS, gây rủi ro cho người mua.
“Do vậy, lãnh đạo HoREA đề nghị Bộ Xây dựng xem xét hướng dẫn về huy động vốn đối với hoạt động kinh doanh BĐS dưới hình thức phân lô bán nền khi xem xét sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS 2014, Nghị định 76/2015. Đồng thời, HoREA kiến nghị xem xét sửa đổi đồng bộ các quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và chế định về thừa phát lại” – ông Châu thông tin.•