[ad_1]
Văn phòng cho thuê tại số 8 – Tràng Thi (Hà Nội). Ảnh: Đức Thanh |
Lợi ích được kiểm chứng
“Hub-and-spoke” (trụ sở chính và các điểm vệ tinh) không phải thứ lạ lẫm đối với thị trường logistics và bất động sản quốc tế, nhưng đối với Việt Nam, đặc biệt là thị trường văn phòng cho thuê, mô hình “hub-and-spoke” kết hợp giữa làm việc trực tiếp và trực tuyến lại là điều rất mới mẻ và đang trở thành xu hướng tất yếu.
Thực tế, mô hình làm việc từ xa ở các nước phát triển đã nở rộ trước khi Covid-19 xuất hiện. Số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Vương quốc Anh (ONS) cho thấy, có 1,54 triệu người tại nước này đã chọn làm việc từ xa vào năm 2018, tăng 74% so với một thập kỷ trước đó. Trong khi ở Mỹ, kết quả khảo sát của Công ty tư vấn và phân tích thị trường Gallup (Washington) cho thấy, lượng lao động làm việc từ xa đã tăng gấp đôi trong thời gian diễn ra Covid-19.
RingCentral, nhà cung cấp giải pháp đám mây cho doanh nghiệp tại Mỹ cho rằng, sở dĩ mô hình “hub-and-spoke” kết hợp đã phát triển bùng nổ trong thời Covid-19 là bởi những lợi ích và giá trị khác biệt của nó được thực chứng.
Cụ thể, làm việc tại nhà thời Covid-19 đã chứng minh được rằng, người lao động vẫn có thể duy trì năng suất, sự phối hợp công việc và hiệu suất. Việc thoát bóng khỏi địa điểm làm việc cố định duy nhất và mở rộng các địa điểm làm việc vệ tinh, làm việc từ xa như trong mô hình “hub-and-spoke” đã mang lại lợi ích thiết thực, khiến khách thuê văn phòng phải cân nhắc nên hay không nên mở rộng diện tích thuê văn phòng hậu Covid-19.
Trong năm 2020, mạng xã hội Pinterest (Mỹ) đã chấp nhận chi trả khoản tiền 89,5 triệu USD để chấm dứt hợp đồng thuê một địa điểm văn phòng trong tương lai ở San Francisco do tính đến lợi ích lâu dài là tiết kiệm chi phí thuê đắt đỏ ở các khu vực trung tâm. Còn các công ty tương tự như Facebook (nay là Meta), Twitter và Stripe có kế hoạch giảm lương của những nhân viên chọn không đến làm việc tại trụ sở chính. Thay vào đó, họ sống và làm việc ở các khu vực khác gần trung tâm để có thể duy trì mức sống của mình và chấp nhận mức lương thấp hơn.
Đối với triển vọng thị trường văn phòng Việt Nam năm 2022, theo dự báo của Công ty bất động sản Cushman & Wakefield, hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM sẽ chứng kiến giá thuê giảm kéo dài do nguồn cung mới tăng lên. Ngoài ra, tăng trưởng của các thị trường này được dự báo sẽ im ắng trong vài năm tới, chỉ quanh ở mức 1-2%. Thị trường văn phòng Hà Nội và TP.HCM được dự báo đạt tỷ lệ hấp thụ thuần thấp nhất trong số các thị trường được khảo sát tại châu Á – Thái Bình Dương, trong khi tỷ lệ trống lại thuộc hàng cao nhất khu vực (Hà Nội dưới 35%, còn TP.HCM khoảng 20%).
Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là các tập đoàn lớn trong các lĩnh vực như ngân hàng, thể thao điện tử (eSports), truyền thông quảng cáo… đang dành sự quan tâm cho thị trường Việt Nam do nhận thấy nhu cầu không gian làm việc tại Việt Nam và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung tiếp tục tăng nhanh hơn các khu vực khác. Xu hướng tìm kiếm của các tập đoàn này là không gian văn phòng theo mô hình “hub-and-spoke”, tức là mọi nhân viên không nhất thiết phải tập trung làm việc ở một địa điểm cố định.
TP.HCM tăng tốc nhanh hơn
Trên thực tế, có nhiều yếu tố đã và đang thúc đẩy mở rộng mô hình làm việc kết hợp tại Việt Nam. Bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc Bộ phận Cho thuê thương mại của Công ty Savills Việt Nam cho biết: “Trong suốt quá trình giãn cách xã hội tại TP.HCM, những con số về nguồn cung và hiệu suất không có nhiều biến đổi lớn, nhưng nhu cầu của khách thuê muốn văn phòng ở khu vực trung tâm luôn đạt mức cao. Nguồn cung ít, nguồn cầu vẫn luôn hiện hữu. Đó chính là một đòn bẩy tích cực cho việc triển khai mô hình làm việc kết hợp”.
Bà Từ Thị Hồng An cho biết thêm, các giao dịch thuê văn phòng lớn nằm ở nhóm doanh nghiệp có mức tăng trưởng cao và hoạt động trong các lĩnh vực: phân phối, công nghệ thông tin – truyền thông, sản xuất. Bên cạnh đó là các nhóm khách thuê trong lĩnh vực tài chính, phân phối, bất động sản, tư vấn, chăm sóc sức khỏe… Phần lớn công ty trong các nhóm khách thuê này đều đang có xu hướng áp dụng mô hình làm việc kết hợp. Cho nên, đây cũng là một thành tố để thúc đẩy xu hướng kết hợp này phát triển nhanh hơn.
Đối với hai thị trường văn phòng lớn của cả nước, bà Từ Thị Hồng An nhận định, tốc độ chuyển đổi sang mô hình văn phòng làm việc kết hợp tại TP.HCM chắc chắn sẽ nhanh hơn nhiều so với Hà Nội, bởi lẽ “Nhà ở Hà Nội thường có xu hướng nhỏ hơn. Khi nhà nhỏ hơn, mọi người sẽ muốn ra ngoài nhiều hơn, vì rất khó tập trung. Vì vậy, ở Hà Nội, xu hướng làm việc kết hợp sẽ bị kéo chậm lại vì nhân viên muốn ra khỏi nhà, chứ không muốn làm việc tại nhà”.
Bên cạnh đó, đại diện Savills cho rằng, nền tảng công nghệ, tốc độ Internet và thời gian phong tỏa/giãn cách xã hội cũng là những yếu tố tác động tới tốc độ chuyển đổi sang văn phòng kết hợp. Thời gian phong tỏa càng lâu, tốc độ chuyển đổi văn phòng càng nhanh vì khách thuê và người lao động không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải thay đổi. Nếu thời gian phong tỏa ngắn, như ở Hà Nội (2-3 tuần), thời gian quay lại văn phòng nhanh khiến mọi người không bị thôi thúc phải chuyển đổi như ở TP.HCM (4-5 tháng giãn cách xã hội).
Yếu tố không kém quan trọng nữa là giá thuê văn phòng cao và nguồn cung hạn chế. Khi áp dụng văn phòng kết hợp, bài toán chi phí sẽ được hóa giải trong khoản thời gian lâu dài. “Ngoài ra, các xu hướng giảm ô nhiễm, giảm carbon trong văn phòng, các sáng kiến ủng hộ bảo vệ môi trường và các cam kết xã hội cũng là một động lực lớn đối với các công ty, tập đoàn đa quốc gia để cắt giảm diện tích văn phòng”, bà Từ Thị Hồng An phân tích.
[ad_2]