Doanh nghiệp TP.HCM thừa quỹ đất, nhưng “đói” dự án mới

[ad_1]

Tại TP.HCM, hàng trăm dự án bất động sản vẫn đang chờ tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, không ít doanh nghiệp địa ốc bị “mắc kẹt”, gặp khó trong hoạt động.

Các doanh nghiệp bất động sản đang ở giai đoạn khó khăn nhất do không có dự án, hoặc có dự án nhưng không triển khai được.

Nằm chờ dự án

Sở hữu quỹ đất rất lớn ở TP.HCM cùng nhiều dự án quy mô, nhưng hơn 2 năm nay, Tập đoàn Đất Xanh không thể phát triển một dự án nào mới.

Tương tự, từ sau thành công của Dự án Him Lam Phú An hồi năm 2016 với hơn 1.000 căn hộ chung cư, đến nay, Công ty cổ phần Địa ốc Him Lam không có thêm dự án nào mới, dù có nhiều quỹ đất ở Sài thành.

“Do không có dự án mới, nên hơn 5 năm qua, Him Lam phải co cụm trong kinh doanh, nhiều nhân viên kinh doanh phải nghỉ việc. Từ đó, tạo gánh nặng lớn về tài chính, gia tăng áp lực tồn tại và phát triển cho doanh nghiệp”, bà Lê Thị Bích Ngọc, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Him Lam Land chia sẻ.

Mấy năm gần đây, câu chuyện các dự án bất động sản ở TP.HCM bị ách tắc không còn gây ngạc nhiên. Vấn đề này đã được đề cập, bàn thảo ở nhiều hội thảo, tọa đàm; không ít kiến nghị từ các doanh nghiệp địa ốc đã được gửi đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn hàng trăm dự án bất động sản đang chờ tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Dự án Diamond Lotus Lakeview của Phúc Khang Corp (tại quận Tân Phú, TP.HCM) là một trường hợp như vậy. Dự án được xây dựng trên diện tích 11.458 m2, theo thiết kế gồm 3 tháp 21 tầng với khoảng 1.000 căn hộ, đã được Phúc Khang Corp triển khai từ năm 2015. Tòa A và tòa C đã được mở bán vào tháng 7/2016, tòa B được mở bán vào tháng 4/2017, nhưng sau đó, Dự án chưa thể triển khai.

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phúc Khang Corp cho biết, Dự án Diamond Lotus Lakeview đã thi công xong hầm móng, nhưng không tiếp tục được cấp phép xây dựng, do việc chuyển đổi nguồn gốc đất từ đất sản xuất sang đất nhà ở.

Không riêng Diamond Lotus Lakeview, Phúc Khang Corp còn đang bị “mắc kẹt” với Dự án Rome Diamond Lotus (TP. Thủ Đức), dù đã ra mắt từ năm 2019, song chưa được tiến hành xây dựng.

“Từ năm 2015 tới nay, Phúc Khang Corp không có dự án mới nào được triển khai và gặp nhiều khó khăn trong phát triển”, bà Lưu Thị Thanh Mẫu nói.

Nhà thầu xây dựng cũng lao đao

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nhìn nhận, các doanh nghiệp bất động sản đang ở giai đoạn khó khăn nhất do không có dự án, hoặc có dự án nhưng không triển khai được. Việc tìm kiếm dự án vô cùng gian nan bởi vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Thực tế này khiến các doanh nghiệp xây dựng “đứng ngồi không yên”. “Hai năm gần đây, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, nên các nhà thầu xây dựng cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Nếu cứ kéo dài tình trạng như hiện nay, thì 5 năm nữa, sẽ có nhiều nhà thầu không thể tồn tại”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Cảnh báo trên của Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam không phải là không có căn cứ, bởi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng đang có dấu hiệu “xuống dốc”.

Đơn cử, báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons cho thấy kết quả kinh doanh ảm đạm sau hai quý liên tiếp lỗ đậm.

Quý I/2022, nhà thầu xây dựng này đạt hơn 1.912 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 26% so với cùng kỳ năm 2021 do giảm 25% nguồn thu từ hợp đồng xây dựng; doanh thu cho thuê thiết bị chỉ mang về hơn 376 tỷ đồng, giảm mạnh 47% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, chi phí tài chính bất ngờ tăng gấp 12 lần so với cùng kỳ. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của Coteccons giảm mạnh 46%, còn vỏn vẹn hơn 29 tỷ đồng.

Chia sẻ về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành xây dựng, ông Hoàng Ngọc Tú, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta cho biết, những năm gần đây, số lượng dự án mới hạn chế, lại ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên các doanh nghiệp chịu rất nhiều tác động tiêu cực.

“Nhìn chung, biên độ lợi nhuận của nhà thầu xây dựng rất thấp và có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây. Khi giá nguyên vật liệu biến động lớn, giá nhân công leo thang, chi phí sản xuất và thi công của doanh nghiệp tăng cao, thì nhà thầu hầu như không còn lợi nhuận”, ông Hoàng Ngọc Tú phân tích.

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM có văn bản gửi UBND TP.HCM và Sở Xây dựng TP.HCM báo cáo tổng hợp kiến nghị của 57 doanh nghiệp đề nghị xem xét tháo gỡ vướng mắc cho 64 dự án bất động sản nhà ở thương mại và dự án nhà ở xã hội.

Tiếp đó, đơn vị này có báo cáo (bổ sung) kiến nghị của 29 doanh nghiệp bất động sản đề nghị xem xét tháo gỡ vướng mắc về pháp lý hoặc về thủ tục đầu tư xây dựng của 38 dự án bất động sản, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư.

[ad_2]

Xem thêm