Đà Nẵng ngăn tình trạng “xí phần” trong khu công nghiệp

[ad_1]

Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng khá cao, song vẫn có doanh nghiệp được cấp đất nhưng không triển khai dự án, mà “xí phần” để đấy.

Vừa qua, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã chỉ đạo phải cương quyết xử lý những dự án chậm triển khai trong Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng. Yêu cầu phải làm mạnh, thậm chí thu hồi ngay đối với những doanh nghiệp chây ì. Không có chuyện đầu tư tài sản công rồi để đắp chiếu, hoạt động không đúng mục đích, gây lãng phí.

Chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Quảng đã làm nóng lên câu chuyện một số doanh nghiệp đăng ký đầu tư trong các khu công nghiệp nhưng rồi bỏ đó, gây lãng phí đất đai.

Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư dự án vào các khu công nghiệp, nhất là khu công nghệ cao tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, không ít dự án vẫn án binh bất động, không triển khai theo tiến độ đã cam kết.

Nguyên nhân được chỉ ra là do dự án phải chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật khác nhau, chưa kể đến các luật chuyên ngành và các văn bản dưới luật có liên quan. Vì vậy, thủ tục đầu tư dự án phức tạp, rườm rà và mất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ triển khai.

Tiếp theo là việc thẩm định các dự án đầu tư có tính khả thi, sàng lọc các nhà đầu tư có năng lực còn gặp nhiều khó khăn. Trong thực tế, việc thẩm định năng lực của các nhà đầu tư như thế nào thì rất khó để xác định.

Việc thẩm tra năng lực tài chính và điều kiện thực hiện dự án còn chủ yếu căn cứ vào hồ sơ, tài liệu do nhà đầu tư cung cấp về mặt giấy tờ mà thiếu sự kiểm nghiệm, thẩm tra, xác minh trên thực tế. Do đó, chất lượng thẩm tra có lúc khó sát với năng lực thực tế của nhà đầu tư…

Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, qua kiểm tra, từ năm 2019 đến nay, Ban quản lý đã giải quyết 12 trường hợp vi phạm về quản lý đất đai.

Có những dự án đã bị TP. Đà Nẵng thu hồi đất và cấp cho nhà đầu tư khác triển khai dự án, với tổng diện tích hơn 20 ha. Cụ thể: Công ty cổ phần Đầu tư Tân Khải Phát với diện tích hơn 3,5 ha, đã bị chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đăng ý đầu tư; Công ty cổ phần Xây dựng điện Vneco 6, có diện tích hơn 1,1 ha, đã bị  thu hồi đất bố trí cho Công ty TNHH Đà Nẵng Telala, Công ty TNHH MTV Thủy tinh miền Trung có diện tích hơn 4,3 ha, đã thu hồi đất và bố trí cho Công ty cổ phần Thép Dana Ý. Các đơn vị khác như Công ty cổ phần Công nghiệp hóa chất Đà Nẵng,  Công ty cổ phần Phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp Tây Ninh; Công ty TNHH MTV An Khải Phát…

“Sau khi tiến hành kiểm tra, xử lý đối với những dự án có sai phạm, một số dự án đã được chủ đầu tư xây dựng hoàn thành và đi vào sản xuất. Những diện tích đất được giao cho doanh nghiệp khác cũng được xây dựng và hoạt động hiệu quả”, ông Sơn thông tin.

Ông Phạm Trường Sơn cho biết thêm, bên cạnh những doanh nghiệp năng lực yếu kém, chây ì, cũng có những dự nhà đầu tư quyết tâm đầu tư xây dựng nhưng lại vướng các thủ tục pháp lý. Đơn cử, dự án nhà xưởng cho thuê của Công ty cổ phần Công nghệ – Viễn thông Sài Gòn, được cấp chủ trương đầu tư năm 2020, có tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng, quy mô diện tích 15 ha, dự kiến khởi công trong năm 2021. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chưa được triển khai. “Dự án này đang vướng về hồ sơ môi trường, chúng tôi đang nỗ lực tháo gỡ để nhà đầu tư có thể triển khai xây dựng”, ông Sơn thông tin.

Chính quyền TP. Đà Nẵng đã có quyết định về thu hồi đất đối với dự án đầu tư vi phạm pháp luật về đất đai trong khu công nghệ cao và dự án đầu tư chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng. Quyết định này quy định cụ thể quy trình để thu hồi đất đối với các dự án chậm triển khai trong các khu công nghiệp.

Theo quyết định về thu hồi đất đối với dự án đầu tư vi phạm pháp luật về đất đai trong các khu công nghiệp của TP. Đà Nẵng, thì trong Khu công nghệ cao, Thành phố sẽ thu hồi đất đã cho thuê đối với trường hợp người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.

Đối với các khu công nghiệp khác, sẽ thu hồi đất trong trường hợp bên thuê lại đất thực hiện dự án đầu tư mà không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng so với tiến độ đã giao kết trong hợp đồng.

Thu hồi đất trong trường hợp bên thuê lại đất thực hiện dự án đầu tư trong các khu công nghiệp trước ngày 3/3/2017, mà bên thuê lại đất không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng 36 tháng so với tiến độ sử dụng đất đã giao kết trong hợp đồng thuê lại đất hoặc quá thời hạn 36 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“Thành phố sẽ rà soát, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp sớm triển khai dự án. Với những nhà đầu tư cố tình không triển khai xây dựng, thì sẽ phải thu hồi theo quy định”, ông Sơn khẳng định.

[ad_2]

Xem thêm