Đối với người mua nhà lần đầu, việc kiểm tra sổ hồng trước khi đặt cọc sẽ tránh được thua thiệt khi có sự tranh chấp về đất đai trong quá trình sử dụng tài sản.
Kiểm tra 4 trang giấy
Người mua kiểm tra xem 4 trang giấy có còn nguyên vẹn hay không?
Có dấu ghim bấm ở 4 trang hay không? Nếu bị bấm lỗ thì thửa đất liên quan đến ngân hàng, thông tin được thể hiện trên trang bổ sung Giấy chứng nhận.
Kiểm tra thông tin trang 1
Trang 1 gồm Quốc hiệu, Quốc huy và dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” in màu đỏ; mục I. Tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; số phát hành Giấy chứng nhận (số seri) gồm 02 chữ cái tiếng Việt và 06 chữ số, được in màu đen; dấu nổi của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tại đây, thông tin về chủ sử dụng đất được ghi trên giấy chứng nhận có thể là cá nhân, hộ gia đình hoặc tổ chức sử dụng đất. Trong trường hợp đất thuộc quyền sử dụng của nhiều người thì có thể ghi tên từng chủ sử dụng.
Chủ sử dụng đất là người có các quyền và nghĩa vụ liên quan đến thửa đất nên khi tham gia các giao dịch thì bắt buộc chủ sử dụng phải trực tiếp tham gia hoặc phải có ủy quyền hợp pháp cho người khác.
Kiểm tra thông tin trang thứ 2
Trang 2 in chữ màu đen gồm mục “II. Thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”, trong đó có các thông tin về thửa đất, nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng, cây lâu năm và ghi chú; ngày tháng năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký cấp Giấy chứng nhận; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận.
Vị trí, số thửa, số tờ bản đồ
Các thông tin về thửa đất như vị trí, số thửa, số tờ bản đồ được ghi theo số hiệu của thửa đất trên bản đồ địa chính. Địa chỉ thửa đất sẽ phải bao gồm tên khu vực, số nhà, tên đường phố (nếu có), tên đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, nơi có thửa đất.
Những thông tin này hỗ trợ để chúng ta có thể tra cứu thêm các thông tin về thửa đất khác có trong hồ sơ địa chính.
Diện tích
Diện tích thửa đất được làm tròn đến một chữ số thập phân.
Những thửa đất có nhà chung cư thì Giấy chứng nhận cấp cho chủ sở hữu căn hộ chung cư chỉ ghi diện tích đất thuộc quyền sử dụng chung của các chủ căn hộ.
Hình thức sử dụng
Hình thức sử dụng đất có thể là đất sử dụng chung hoặc đất sử dụng riêng. Đất sử dụng chung là đất thuộc quyền sử dụng của nhiều người, nhiều hộ gia đình còn đất sử dụng riêng thì chỉ thuộc quyền sử dụng của một người.
Nếu là sở hữu chung, bên mua mua cần tìm hiểu có bao nhiêu người cùng đứng tên thì sẽ có bao nhiêu người ký tên vào hợp đồng đặt cọc, tránh trường hợp sau khi bên bán đã nhận cọc, nhưng một trong ba người đứng tên trên sổ chung không đồng ý bán nữa.
Mục đích sử dụng đất
Mục đích sử dụng đất được ghi thống nhất với sổ địa chính bằng tên gọi cụ thể với các loại đất thuộc các nhóm như đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (bao gồm đất ở nông thôn, đất ở đô thị và nhiều loại đất khác).
Thời hạn sử dụng
Trường hợp sử dụng đất có thời hạn thì ghi “Thời hạn sử dụng đất đến ngày …/…/… (ghi ngày tháng năm hết hạn sử dụng)”.
Trường hợp thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài thì ghi “Lâu dài”.
Trường hợp thửa đất ở có vườn, ao mà diện tích đất ở được công nhận là một phần thửa đất thì ghi thời hạn sử dụng đất theo từng mục đích sử dụng đất “Đất ở”: Lâu dài, còn lại là “Đất… (ghi tên mục đích sử dụng theo hiện trạng thuộc nhóm đất nông nghiệp đối với phần diện tích vườn, ao không được công nhận là đất ở)”: sử dụng đến ngày …/…/… (ghi ngày tháng năm hết hạn sử dụng)”.
Nguồn gốc sử dụng
Nguồn gốc đất bao gồm: Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, có thu tiền sử dụng đất, đất thuê trả tiền một lần, trả tiền hằng năm hoặc do Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất,…
Nguồn gốc của đất có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất đặc biệt là khi Nhà nước thu hồi đất. Đất thuê trả tiền thuê đất hằng năm sẽ không được Nhà nước bồi thường về đất khi thu hồi đất.
Ghi chú
Phần này thể hiện diện tích dính quy hoạch, diện tích lộ giới bao nhiêu.
Ví dụ: “Thửa đất được trích đo từ bản đồ địa chính”, “Thửa đất số … có một phần diện tích nằm trong lộ giới”, “Thửa đất có … m2 đất thuộc quy hoạch giao thông”…
Kiểm tra thông tin trang thứ 3
Trang 3 in chữ màu đen gồm mục “III. Sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” và mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận”.
Mục III thể hiện hình dạng, kích thước, hướng nhà, đường mặt tiền khu đất và các khu đất liền kề khác.
Tại mục IV sẽ thể hiện mọi thay đổi liên quan đến việc chỉnh sửa thông tin trên sổ, chuyển nhượng, chỉnh lý, thừa kế, chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa sẽ được ghi ở trang này.
Đánh máy hoặc viết tay và luôn luôn có đóng dấu của cơ quan thẩm quyền.
Kiểm tra thông tin trang thứ 4
Trang 4 in chữ màu đen gồm nội dung tiếp theo của mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận”; nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận; mã vạch.
Ở trang này sẽ thể hiện những thông tin tương tự với trang 3 khi cập nhật, chỉnh lý về quyền sử dụng đất.
Những thông tin này cũng cần phải quan tâm bởi nếu bên bán chưa nộp lệ phí trước bạ và thuế chuyển quyền, ghi nợ tiền sử dụng đất thì không thực hiện được giao dịch chuyển nhượng.
Kiểm tra trang bổ sung Giấy chứng nhận
Trang bổ sung Giấy chứng nhận in chữ màu đen gồm dòng chữ “Trang bổ sung Giấy chứng nhận”; số hiệu thửa đất; số phát hành Giấy chứng nhận; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận và mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận” như trang 4 của Giấy chứng nhận.
Trang bổ sung Giấy chứng nhận được ghim ở mặt thứ 4 của sổ hồng, trên đó thể hiện nhà có thế chấp hay không. Có thế chấp hoặc xóa thế chấp đều được ngân hàng sẽ ghi và đóng dấu ở trang này.