[ad_1]
Giá thuê đất công nghiệp ở miền Bắc không còn leo thang như trước. Trong ảnh: Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng |
Đà tăng giá toàn vùng đã giảm
Việc hạn chế đi lại thời dịch bệnh và tỷ lệ lấp đầy tương đối ổn định đã giúp giá thuê đất công nghiệp ở phía Bắc không còn leo thang như giai đoạn 2018-2020. Savills Việt Nam ước tính, giá thuê đất công nghiệp ở miền Bắc năm 2021 tăng bình quân 9,89% so với năm 2020, lên 100 USD/m2/chu kỳ thuê. Đối chiếu với dữ liệu trước đó của Công ty cổ phần Chứng khoán Everest, thì mức tăng giá đất công nghiệp miền Bắc trong năm 2020 dao động trong khoảng 14-18%.
Chuyển động của những dự án hàng ngàn tỷ đồng được cho là nguyên nhân khiến giá thuê đất công nghiệp bình quân tại Hưng Yên tăng cá biệt lên 101 USD/m2 (tương đương mức tăng 22% so với năm 2020).
Chẳng hạn, trong tháng 10, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland, Công ty cổ phần Quản lý xây dựng Nhật Bản, Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Kết Nối Việt đã được phê duyệt là nhà đầu tư của Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp số 03. Dự án có quy mô 159,71 ha, với tổng vốn đầu tư 2.309 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 392,7 tỷ đồng.
Trước đó không lâu, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư và phát triển Hưng Yên đã đề xuất đầu tư 5 cụm công nghiệp với tổng mức đầu tư hơn 4.100 tỷ đồng. Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư và phát triển Hưng Yên có vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng, được sáng lập bởi ba cổ đông, trong đó Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc nắm 60% vốn.
Tại Hà Nội, giá thuê đất công nghiệp vẫn ở mức cao nhất miền Bắc, với 129 USD/m2. Trong khi đó, mức giá ở các địa phương khác mềm hơn, như Bắc Ninh là 106 USD/m2, Hải Phòng 101 USD/m2 và Hải Dương 79 USD/m2. So với phía Nam, nhất là TP.HCM và Bình Dương, vẫn có giá thuê neo cao từ 100 đến 300 USD/m2, bất động sản công nghiệp miền Bắc rõ ràng đang nắm lợi thế lớn.
Thêm sức hút từ hạ tầng và vị trí địa lý
Ngoài giá thuê đất, sức hút của thị trường bất động sản công nghiệp phía Bắc còn đến từ mạng lưới giao thông phát triển, nhiều dự án hạ tầng mới. Tại Hà Nội, các dự án trọng điểm đang được thi công và dự kiến hoàn thiện vào năm 2022 gồm đường vành đai 2, tuyến metro số 3, đường nối cầu Thượng Cát với Quốc lộ 32 và cầu Vĩnh Tuy giai đoạn II. Tầm nhìn tới năm 2030, Hà Nội sẽ mở rộng sân bay Nội Bài, xây dựng thêm đường vành đai, các tuyến metro và bổ sung 6 cây cầu mới…
Lý giải về tiềm năng phát triển của các khu công nghiệp miền Bắc, ông Lê Huy Đông, Quản lý Bộ phận Dịch vụ bất động sản công nghiệp tại Savills Hà Nội cho rằng: “Các doanh nghiệp nước ngoài mới vào Việt Nam sẽ có sự cân nhắc tìm kiếm đất thuê ở miền Bắc, do mức giá thuê hợp lý và nguồn cung tương lai tương đối dồi dào”.
Tại Bắc Ninh, nguồn cung đất công nghiệp không còn nhiều và các dự án mới được phê duyệt đều đang được triển khai một phần. Song nhu cầu tại đây vẫn rất lớn, nên giá thuê được dự báo sẽ tăng cao, tiệm cận với thị trường Hà Nội.
Trong khi đó, Quảng Ninh nổi lên là điểm sáng mới cùng với Hưng Yên, Bắc Giang, và Hải Dương. Đây là khu vực có rất nhiều ưu thế về tài nguyên và vị trí thuận lợi. “Quảng Ninh vừa có đường biên trên bộ và trên biển, cảng biển nước sâu và sân bay Vân Đồn đang được xây dựng. Hơn nữa, khoảng cách giữa Quảng Ninh và Hà Nội sẽ được rút ngắn khi các cây cầu được xây dựng xong”, ông Đông đánh giá.
Bên cạnh đó, 2 dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái và Ninh Bình – Hải Phòng khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, cũng sẽ tạo thêm xung lực mới cho thị trường phía Bắc.
Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp tại CBRE Việt Nam cho rằng, việc cam kết hoàn thành đúng hay đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm có tính chất liên kết vùng như cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, Hữu Nghị – Chi Lăng và hệ thống cảng biển, cảng cạn, sẽ tạo đòn bẩy phát triển nguồn cung đất công nghiệp với giá thuê cạnh tranh hơn ở các tỉnh/thành cấp hai, như Bắc Giang, Quảng Ninh, đồng thời giúp duy trì lợi thế cạnh tranh về chi phí của Việt Nam.
[ad_2]