Đô thị loại I, II, III, IV, V và đô thị loại đặc biệt tại Việt Nam

Tại Việt Nam hiện có sáu loại đô thị bao gồm đô thị loại I, II, III, IV, V và đô thị loại đặc biệt. Sau đây là các tiêu chí phân loại đô thị.

1. Đô thị loại I

Tiêu chí xác định thành phố là đô thị loại I bao gồm:

– Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội:

+ Vị trí, chức năng, vai trò là trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, cấp vùng hoặc cấp tỉnh về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của một vùng liên tỉnh hoặc cả nước;

+ Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo .

– Quy mô dân số:

+ Đô thị là thành phố trực thuộc trung ương: quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 1.000.000 người trở lên; khu vực nội thành đạt từ 500.000 người trở lên;

+ Đô thị là thành phố thuộc tỉnh hoặc thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương: quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 500.000 người trở lên; khu vực nội thành đạt từ 200.000 người trở lên.

– Mật độ dân số:

+ Toàn đô thị đạt từ 2.000 người/km2 trở lên;

+ Khu vực nội thành tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 10.000 người/km2 trở lên.

– Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp:

+ Toàn đô thị đạt từ 65% trở lên;

+ Khu vực nội thành đạt từ 85% trở lên.

– Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.

Tính đến tháng 12 năm 2021, Việt Nam có 22 đô thị loại I, bao gồm:

– 3 thành phố trực thuộc trung ương: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ

– 19 thành phố thuộc tỉnh: Huế, Vinh, Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Thái Nguyên, Nam Định, Việt Trì, Vũng Tàu, Hạ Long, Thanh Hóa, Biên Hòa, Mỹ Tho, Thủ Dầu Một, Bắc Ninh, Hải Dương, Pleiku, Long Xuyên.

2. Đô thị loại II

Đô thị loại II phải đảm bảo các tiêu chí sau:

– Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội:

+ Vị trí, chức năng, vai trò là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành cấp vùng, cấp tỉnh về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, trung tâm hành chính cấp tỉnh, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của một tỉnh hoặc một vùng liên tỉnh;

+ Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.

– Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 200.000 người trở lên; khu vực nội thành đạt từ 100.000 người trở lên.

– Mật độ dân số:

+ Toàn đô thị đạt từ 1.800 người/km2 trở lên;

+ Khu vực nội thành tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 8.000 người/km2 trở lên.

– Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp:

+ Toàn đô thị đạt từ 65% trở lên;

+ Khu vực nội thành đạt từ 80% trở lên.

– Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.

Tính đến ngày 20/4/2022, cả nước có 33 đô thị loại II, đều là các thành phố thuộc tỉnh, bao gồm: Phan Thiết, Cà Mau, Tuy Hòa, Uông Bí, Thái Bình, Rạch Giá, Bạc Liêu, Ninh Bình, Đồng Hới, Phú Quốc, Vĩnh Yên, Lào Cai, Bà Rịa, Bắc Giang, Phan Rang – Tháp Chàm, Châu Đốc, Cẩm Phả, Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Trà Vinh, Sa Đéc, Móng Cái, Phủ Lý, Bến Tre, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Sơn La, Tân An, Vị Thanh, Cao Lãnh, Vĩnh Long, Tuyên Quang, Sóc Trăng.

3. Đô thị loại III

Tiêu chí xác định thành phố là đô thị loại III bao gồm:

– Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội:

+ Vị trí, chức năng, vai trò là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ cấp tỉnh, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, vùng liên tỉnh;

+ Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.

– Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 100.000 người trở lên; khu vực nội thành, nội thị đạt từ 50.000 người trở lên.

– Mật độ dân số:

+ Toàn đô thị đạt từ 1.400 người/km2 trở lên;

+ Khu vực nội thành, nội thị tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 7.000 người/km2 trở lên.

– Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 60% trở lên; khu vực nội thành, nội thị đạt từ 75% trở lên.

– Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.

Tính đến ngày 20/4/2022, cả nước có 47 đô thị loại III, bao gồm:

– 29 thành phố: Yên Bái, Điện Biên Phủ, Hòa Bình, Hội An, Hưng Yên, Kon Tum, Đông Hà, Bảo Lộc, Hà Giang, Cam Ranh, Cao Bằng, Lai Châu, Tây Ninh, Bắc Kạn, Tam Điệp, Sông Công, Sầm Sơn, Phúc Yên, Hà Tiên, Đồng Xoài, Chí Linh, Long Khánh, Gia Nghĩa, Dĩ An, Ngã Bảy, Thuận An, Hồng Ngự, Từ Sơn, Phổ Yên.

– 18 thị xã: Sơn Tây, Cửa Lò, Phú Thọ, Bỉm Sơn, Gò Công, La Gi, Bến Cát, Tân Uyên, Sông Cầu, Long Mỹ, Tân Châu, Cai Lậy, Quảng Yên, Kỳ Anh, Bình Minh, Đông Triều, Phú Mỹ, An Nhơn.

4. Đô thị loại IV

Để xác định đô thị loại IV, cần đáp ứng các tiêu chí sau:

– Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội:

+ Vị trí, chức năng, vai trò là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành cấp tỉnh, cấp huyện về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, trung tâm hành chính cấp huyện, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, huyện hoặc vùng liên huyện;

+ Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.

– Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 50.000 người trở lên; khu vực nội thị (nếu có) đạt từ 20.000 người trở lên.

– Mật độ dân số:

+ Toàn đô thị đạt từ 1.200 người/km2 trở lên;

+ Khu vực nội thị (nếu có) tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 6.000 người/km2 trở lên.

– Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp:

+ Toàn đô thị đạt từ 55% trở lên;

+ Khu vực nội thị (nếu có) đạt từ 70% trở lên.

– Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.

Đến ngày 29 tháng 11 năm 2021, cả nước có 90 đô thị loại IV, bao gồm 31 thị xã, 5 huyện (với 8 thị trấn và 68 xã) và 56 thị trấn (không tính các xã thuộc phần mở rộng của đô thị loại IV).

5. Đô thị loại V

Đô thị loại V phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau đây:

– Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội:

+ Vị trí, chức năng, vai trò là trung tâm hành chính hoặc trung tâm tổng hợp cấp huyện hoặc trung tâm chuyên ngành cấp huyện về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện hoặc cụm liên xã;

+ Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.

– Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 4.000 người trở lên.

– Mật độ dân số:

+ Toàn đô thị đạt từ 1.000 người/km2 trở lên;

+ Tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 5.000 người/km2 trở lên.

– Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 55% trở lên.

– Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.

Đến tháng 12/2021, Việt Nam có 674 đô thị loại V.

6. Đô thị loại đặc biệt

Theo đó, đô thị loại đặc biệt là đô thị được xác định theo tiêu chí:

– Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội:

+ Vị trí, chức năng, vai trò là Thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, quốc tế về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước;

+ Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.

– Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 5.000.000 người trở lên; khu vực nội thành đạt từ 3.000.000 người trở lên.

– Mật độ dân số:

+ Toàn đô thị đạt từ 3.000 người/km2 trở lên;

+ Khu vực nội thành tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 12.000 người/km2 trở lên.

– Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp:

+ Toàn đô thị đạt từ 70% trở lên;

+ Khu vực nội thành đạt từ 90% trở lên.

– Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.

Hiện nay, Việt Nam có hai thành phố được Chính phủ xếp loại đô thị đặc biệt là: thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Căn cứ pháp lý: Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016.

Xem thêm