Giải pháp nào ngăn chặn trục lợi từ đấu giá đất

[ad_1]

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cần tổng kết, đánh giá sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, trong đó chú trọng quy định cụ thể về đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất.

.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà sẽ trực tiếp trả lời chất vấn vào chiều 16/3.

Chiều mai (16/3) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà sẽ trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Một trong những vấn đề được chọn để chất vấn Bộ trưởng là trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân; việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này.

Hiện tượng bỏ giá rất cao rồi bỏ cọc nhằm tạo mặt bằng giá ảo để mua đi, bán lại: Cần sự vào cuộc của các cơ quan

Gửi báo cáo đến các vị đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu thực tế thời gian qua một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng “cò đấu giá”, “quân xanh – quân đỏ”, để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá trước khi cuộc đấu giá diễn ra và tình trạng “xã hội đen” đe dọa cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá phải xin rút hồ sơ.

Có hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo để mua đi, bán lại nhiều lô đất đã trúng đấu giá khác hoặc bán ra các lô đất đã gom trong khu vực nhằm thu lợi. Một số nơi có hiện tượng thông đồng giữa tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để “dìm giá”… (như vụ đấu giá đất tại tỉnh Thái Bình năm 2020, tại huyện Đông Anh, Hà Nội năm 2021).

Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong đấu giá đất thời gian qua, theo Bộ trưởng là thời gian từ khi trúng đấu giá đất đến khi hủy quyết định trúng đấu giá do người trúng đấu giá không nộp đủ tiền là khá dài (180 ngày như ở Thủ Thiêm) là một sơ hở để các công ty tham gia đấu giá thực hiện các ý đồ như thổi giá bất động sản để tăng giá trị cổ phiếu, cơ cấu lại khoản nợ trong các ngân hàng, bán hàng tồn đọng…

Về giải pháp khắc phục trong thời gian tới, đầu tiên, theo Bộ trưởng, cần thống nhất về mặt nhận thức trong công tác định giá đất. Giá đất trúng đấu giá là giá đặc thù, cá biệt. Do đó, cần cân nhắc kỹ khi coi giá đất trúng đấu giá là thông tin đầu vào để xác định giá đất cụ thể.

Thứ hai, cần tổng kết, đánh giá sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, trong đó trú trọng quy định cụ thể về đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất.

Thứ ba, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan. Bộ Tư pháp với trách nhiệm là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đấu giá tài sản chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá, có yếu tố trục lợi trong đấu giá quyền sử dụng đất.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất để đảm bảo an toàn tín dụng. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo làm tốt công tác xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất bảo đảm sát giá thị trường; quản lý chặt chẽ đối với hồ sơ đấu giá; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp đấu giá tài sản; tăng cường mối quan hệ giữa tổ chức bán đấu giá với cơ quan công an để đảm bảo an ninh trật tự tại các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất; áp dụng linh hoạt hình thức đấu giá, mở rộng hình thức đấu giá trực tuyến.

Ngoài ra, cần nâng cao năng lực của các tổ chức phát triển quỹ đất ở các địa phương, tăng cường để tổ chức này có quyền chủ động trong việc đề xuất các dự án phát triển quỹ đất, thu hồi đất theo quy hoạch để thực hiện các dự án phát triển quỹ đất tạo mặt bằng đất sạch để chủ động bố trí cho các dự án phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, tăng nguồn cung quyền sử dụng đất ra thị trường nhằm thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước đối với thị trường quyền sử dụng đất.

Liên quan đến trách nhiệm, báo cáo của Bộ trưởng liệt kê trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương theo phân công quản lý nhà nước chứ không nói rõ tình trạng nói trên thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân nào. Theo đó, trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là hướng dẫn, kiểm tra việc xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất.

Các giao dịch hứa mua, hứa bán: bổ sung quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ Luật Dân sự 

Việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này cũng là nội dung được Bộ trưởng Hà đề cập.

Bộ trưởng cho biết, theo báo cáo của 61 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, từ khi Luật Đất đai có hiệu lực đến nay, cả nước có: 3.177.936 giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất với trên 23.292,46 nghìn ha; 81.829 giao dịch cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất với 7.156,29 ha; 4.117.428 giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất với 39.858,5 nghìn ha; 65.446 giao dịch chuyển đổi đất nông nghiệp với trên 4.349,97 ha; 917.850 giao dịch tặng cho quyền sử dụng đất với 11.776,85 nghìn ha; 442.214 giao dịch thừa kế quyền sử dụng đất với 7.327,66 nghìn ha.

Pháp luật về đất đai không có quy định về “hứa mua, hứa bán”, mà quy định chặt chẽ về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, yêu cầu phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong một số trường hợp cụ thể còn quy định điều kiện về bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, báo cáo nêu rõ.

Tuy nhiên, ông Hà nhìn nhận, tthực tế vẫn diễn ra tình trạng người dân thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất dưới dạng hứa mua, hứa bán.

Như, người sử dụng đất chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng quyền sử dụng đất do các nguyên nhân như đất chưa được cấp giấy chứng nhận, nhà đang trong thời gian xây dựng cần giấy tờ hoàn công, bán một phần thửa đất và cần thời gian làm thủ tục tách thửa, quyền sử dụng đất đang thế chấp ngân hàng.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau người đang sử dụng đất có nhu cầu chuyển nhượng và người mua cũng sẵn sàng nhận chuyển nhượng. Các bên ký với nhau một hợp đồng (thỏa thuận) hứa mua, hứa bán kèm điều khoản đặt cọc hoặc ký hợp đồng đặt cọc để hứa chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2015.

Một số doanh nghiệp bất động sản có nhu cầu huy động vốn, nhưng dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc bán nhà nên mời gọi người dân hoặc các nhà đầu tư ký các dạng hợp đồng dưới dạng góp vốn, vay tiền, phát hành trái phiếu…, nhưng trong hợp đồng có kèm điều khoản về hứa mua, hứa bán và có điều khoản về đặt cọc và phạt cọc theo quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2015.

Các dạng hợp đồng nêu trên đều ở dạng “tiền hợp đồng” chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán bất động sản gắn liền với quyền sử dụng đất nên không áp dụng quy định của Luật Đất đai năm 2013 và pháp luật có liên quan về nhà ở, kinh doanh bất động sản. Các bên áp dụng quy định của pháp luật dân sự, pháp luật công chứng để giải quyết, đồng thời cũng không đăng ký tại Văn phòng đăng ký đất đai do đó Nhà nước không có cơ sở để quản lý.

Các giao dịch này không phát sinh vấn đề khiếu nại, tố cáo mà chủ yếu phát sinh tồn tại liên quan đến các tranh chấp về hợp đồng đặt cọc (hứa mua, hứa bán). Việc đặt cọc để thực hiện giao dịch nêu trên cũng có thể phát sinh giao dịch tiếp theo nếu được các bên thỏa thuận đồng ý nên có thể có việc chuyển nhượng tiếp cho người thứ 3 để trốn thuế.

Để khắc phục, Bộ trưởng đề xuất ba giải pháp. Một là, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến “hứa mua, hứa bán” trong Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ Luật Dân sự và các luật khác có liên quan để khắc phục các tồn tại nêu trên.

Hai là, cần cân nhắc việc quản lý các giao dịch về đặt cọc về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo hình thức bắt buộc phải đăng ký để nhà nước quản lý.

Ba là, các cơ quan có liên quan (Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Tòa án nhân dân Tối cao, UBND các cấp) cần rà soát hệ thống quy định pháp luật nhằm đưa ra giải pháp để quản lý, tuyên truyền vận động người dân nhận thức và thực hiện đúng các quy định của pháp luật; giải quyết các tranh chấp phát sinh giao dịch liên quan đến đặt cọc, hứa mua, hứa bán để đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh.

[ad_2]

Xem thêm