Cách ghi mục đích sử dụng đất trên sổ đỏ

Khoản 6 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, mục đích sử dụng đất được ghi trên sổ đỏ bằng tên gọi cụ thể của các loại đất.

Mục đích sử dụng ghi trên sổ đỏ như thế nào?

Căn cứ Khoản 6 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, mục đích sử dụng đất được ghi bằng tên gọi cụ thể của các loại đất.

Ví dụ, nhóm đất trồng: “đất chuyên trồng lúa nước”, “đất trồng cây hàng năm khác”, “đất trồng cây lâu năm”, “đất rừng sản xuất”, “đất rừng phòng hộ”, “đất rừng đặc dụng”, “đất nuôi trồng thủy sản”,…

Nhóm đất phi nông nghiệp: “đất ở tại nông thôn”, “đất ở tại đô thị”, “đất quốc phòng”, “đất thương mại, dịch vụ”…

Mục đích sử dụng đất trên sổ đỏ được ghi bằng tên gọi cụ thể của các loại đất. Đồ họa: Kim Nhung

Nếu thửa đất được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất cho một người sử dụng đất vào nhiều mục đích thì phải ghi đầy đủ các mục đích đó.

Thửa đất có nhiều người cùng sử dụng, có nhiều mục đích sử dụng khác nhau, trong đó mỗi người sử dụng đất vào một mục đích nhất định. Do đó, giấy chứng nhận cấp cho từng người phải ghi mục đích sử dụng đất của người đó và ghi chú thích “thửa đất còn sử dụng vào mục đích… (ghi mục đích sử dụng đất khác còn lại) của người khác” vào điểm ghi chú của giấy chứng nhận.

Trường hợp thửa đất ở có vườn, ao mà một phần diện tích được công nhận là đất ở và phần còn lại được công nhận sử dụng vào mục đích thuộc nhóm đất nông nghiệp thì lần lượt ghi “đất ở” và diện tích được công nhận là đất ở kèm theo, tiếp theo ghi lần lượt từng mục đích sử dụng đất cụ thể thuộc nhóm đất nông nghiệp và diện tích kèm theo.

Vì sao cần phải nắm rõ mục đích sử dụng đất

Người dân cần nắm rõ mục đích sử dụng đất để sử dụng theo đúng quy định, nếu sử dụng sai mục đích sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Nắm rõ mục đích sử dụng đất, người dân sẽ biết khi nào cần phải xin phép, khi nào không phải xin phép cơ quan có thẩm quyền khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Giúp người dân nắm rõ thời hạn sử dụng đất. Nếu đất sử dụng ổn định lâu dài như đất ở, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên… thì không cần lo thời hạn. Còn trường hợp đất phải gia hạn thì phải nộp hồ sơ gia hạn trước khi hết hạn sử dụng đất tối thiểu là 6 tháng.

 

 

Xem thêm